“Bất thường” trong kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội?

Admin
21,9m2 đất đang có tranh chấp tại 19B Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) là tài sản chung của vợ chồng ông Phạm Song và bà Tô Thị Thanh Hương, nên nếu có việc bỏ ra làm lối đi chung thì phải có sự chấp thuận của cả hai vợ chồng thì mới đủ điều kiện pháp lý.

Phát sinh khiếu nại khi làm thủ tục xây nhà

Bà Tô Thanh Hương và chồng là ông Phạm Song (19B Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng là chủ sở hữu hợp pháp khối nhà phía ngoài 148,9 m2 và phần diện tích 21,9 m2 đất thuộc số nhà 19B Trần Hưng Đạo. Ngày 22/9/2010, vợ chồng bà Hương lập Hợp đồng công chứng cho tặng toàn bộ diện tích nhà đất đã được cấp Giấy chứng nhận (GCN) cho vợ chồng bà Phạm Như Hoa và ông Đặng Duy Tuấn. Ngày 04/10/2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã sang tên GCN cho vợ chồng bà Phạm Như Hoa và ông Đặng Duy Tuấn.

Ngày 18/01/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã cấp tách riêng GCN số CM 213362 cho ông Đặng Duy Tuấn theo nội dung văn bản công chứng phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Đặng Duy Tuấn và bà Phạm Như Hoa, trong GCN này vẫn thể hiện 21,9 m2 đất sử dụng riêng .

Năm 2018, sau khi ông Đặng Duy Tuấn tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng đối với diện tích 21,9m2 nói trên, thì ông Phạm Minh Tuấn (cùng chung địa chỉ 19B Trần Hưng Đạo) có đơn gửi chính quyền quận Hoàn Kiếm cho rằng 21,9 m2 trong GCN của ông Đặng Duy Tuấn đã được ông Phạm Song cam kết phá dỡ công trình để làm sân chung từ năm 2002, nên GCN này là sai diện tích.

Một phần nội dung Văn bản của Thanh tra TP.Hà Nội trả lời đơn của bà Tô Thị Thanh Hương và bà Phạm Như Hoa

Thanh tra TP.Hà Nội vào cuộc và đưa ra một số kết luận về nội dung đơn khiếu nại của ông Phạm Minh Tuấn, trong đó nêu rõ: năm 2002, quá trình xây dựng nhà ở phía bên trong số 19B Trần Hưng Đạo, gia đình ông Phạm Song đã bị cơ quan chức năng đình chỉ do xây dựng vượt so với giấy phép. Ông Phạm Song đã làm đơn đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép bổ sung và cam đoan: “Phá dỡ khu nhà cấp IV ở lối đi vào, có diện tích là 21,9 m2 để làm lối đi chung”. Việc cơ quan chức năng vẫn công nhận diện tích 21,9m2 này trong GCN số CM 213362 cấp cho ông Đặng Duy Tuấn là không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng hiện trạng sử dụng đất. Thanh tra Hà Nội kiến nghị thu hồi GCN đã cấp cho ông Đặng Duy Tuấn…

Viện dẫn văn bản thiếu cơ sở pháp lý?

Về nội dung kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, bà Tô Thị Thanh Hương cho biết, không có văn bản nào có chữ ký của bà đồng ý chuyển 21,9m2 đất sử dụng riêng để làm sân chung. Thanh tra cũng không đưa ra được bất cứ giấy tờ pháp lý nào có sự đồng ý của tôi về việc này, trong khi 21,9m2 đất đó là tài sản chung của bà và chồng là ông Phạm Song (đã qua đời- PV).

Để làm rõ nội dung này, tại buổi làm việc với Thanh tra TP.Hà Nội, PV Đời sống & Pháp luật đã đặt câu hỏi: Bà Tô Thị Thanh Hương không ký bất kỳ văn bản nào để chuyển 21,9m2 sử dụng riêng trong GCN làm lối đi chung, vậy việc Thanh tra TP.Hà Nội dựa vào văn bản của chồng bà là ông Phạm Song để khẳng định 21,9m2 đất đó đã được cam kết làm sân chung và kiến nghị thu hồi GCN đã cấp cho ông Đặng Duy Tuấn có đúng pháp luật không? Vị cán bộ đại diện Thanh tra TP.Hà Nội không trả lời vào nội dung này và mà chỉ thông tin: Chúng tôi đã có văn bản trả lời bà Phạm Như Hoa.

Đại diện Thanh tra TP.Hà Nội tại buổi làm việc với PV

Theo tìm hiểu của PV, văn bản trả lời bà Phạm Như Hoa của Thanh tra TP.Hà Nội chính là văn bản số 2417/TTTP (P1), ngày 9/6/2020. Trong văn bản này, Thanh tra TP.Hà Nội vẫn không giải thích “trúng” thắc mắc của bà Hương về việc không có chữ ký của bà đồng ý để 21,9m2 làm lối đi chung mà vẫn lặp lại nội dung đã thể hiện trong kết luận thanh tra: 15,8m2 nhà G1 trên diện tích 21,9m2 đã được ông Phạm Song khước từ quyền sử dụng hợp pháp để chuyển thành lối đi chung… Từ viện dẫn này, thanh tra khẳng định, GCN số CM 213362 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 18/1/2018 cho ông Đặng Duy Tuấn là không đúng đối tượng sử dụng đất.

Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng- Đoàn Luật sư TP.Hà Nội: 21,9m2 đất nói trên là tài sản chung hợp pháp của vợ chồng ông Phạm Song và bà Tô Thị Thanh Hương, nên nếu có việc bỏ ra làm lối đi chung thì phải có sự chấp thuận của cả hai vợ chồng thì mới đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy, văn bản cam kết dỡ bỏ nhà cấp IV trên diện tích 21,9 m2 của ông Phạm Song là không có giá trị pháp lý. Nếu Thanh tra TP.Hà Nội căn cứ vào văn bản này để kiến nghị thu hồi GCN đã cấp cho ông Đặng Duy Tuấn thì cần phải xem xét lại.

Hơn nữa, diện tích 21,9m2 đó đã được cấp GCN, đã chuyển quyền sử dụng đất và sang tên vào các năm 2010, 2018 đúng quy định, tức là đã có giá trị pháp lý qua hai đạo luật là Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai 2013. Chỉ khi chủ sở hữu tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng thì mới có đơn thư, từ đó làm phát sinh tranh chấp. Mà trường hợp có tranh chấp thì việc hủy GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất được thực hiện bằng con đường tố tụng Toà án. Luật Đất đai hiện hành quy định, đối với tranh chấp QSD đất đai đã được cấp GCN quyền sử dụng thuộc thẩm quyền thụ lý và giải quyết là của Tòa án nhân dân.