Những ngày này, cái tên Võ Hoàng Yên tiếp tục “dậy sóng” khi Công an tỉnh Quảng Ngãi chính thức vào cuộc điều tra, xác minh hiệu quả chữa bệnh của “thần y” này cho người dân địa phương vào hồi tháng 7/2020.
Còn tại Hà Tĩnh – nơi lãnh đạo tỉnh này từng cấp cho ông Võ Hoàng Yên hàng nghìn m2 đất mở trung tâm khám, chữa bệnh nhưng thực sự hiệu quả chữa bệnh của "thần y" có như lời đồn thổi?
Chầu chực chờ gặp “thần y”
Không khó để chúng tôi tìm được danh sách các gia đình từng đến “thần y” Võ Hoàng Yên chữa bệnh tại Hà Tĩnh. Bởi ở đây, Võ Hoàng Yên từng được người dân tôn thờ như "thánh sống”. Nhà nhà, người người bồng bế, gồng gánh những đứa con tàn tật, câm, điếc ngồi chầu chực, vật vạ hàng giờ, thậm chí ngày này qua ngày khác chỉ mong 1 lần được “thần y” chữa bệnh cho con mình. Thế nhưng, niềm hi vọng của họ tiêu tan chỉ sau vài lần khám, chữa.
Đưa tay lên miêu tả từng động tác chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên thời điểm đó, ông H. (64 tuổi), trú thôn Văn Bình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vợ chồng ông có 4 người con. Người con đầu là anh T. (34 tuổi) bị câm, điếc bẩm sinh. Mặc dù gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng không được.
Năm 2015, nghe danh “thần y” Võ Hoàng Yên, ông đưa con trai đến Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh (đóng tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) để chữa trị. Điều khiến ông tin tưởng, hi vọng vào tài năng của ông Võ Hoàng Yên đó là chính tận mắt ông chứng kiến nhiều người câm, điếc sau khi được ông Yên bấm huyệt và vỗ thì đều nói được ú ớ.
“Tôi đưa con đến chữa tổng 3 lần. Vé vào 100 ngàn đồng/người, ngoài cổng hàng nghìn người ngồi chầu chực chờ đến lượt. Thời điểm đó, tận mắt tôi thấy ông Yên ấn chữa cho người nói ngọng, người câm, điếc đều nói được ú ớ, nghe được tiếng vỗ tay. Có người nằm liệt 6 năm nhưng được ông Yên bấm huyệt đã tự dậy đi được nên tôi rất tin và hi vọng sẽ chữa khỏi được cho con trai. Tuy nhiên, sau 3 lần chữa, họ nói con tôi không chữa được. Mọi hi vọng dập tắt, tôi rất buồn” ông H. kể lại.
Cách đó không xa là nhà của ông Đặng Văn Bính (SN 1956, trú thôn Hòa Thắng, xã Tân Lâm Hương). Năm 2014, người con trai thứ của ông là anh Đặng Văn Thái (SN 1984) bị tai nạn dẫn đến liệt 2 chân, tổn thương não. Ông chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn “công cốc”. Nghe danh “thần y”, ông lấy xe bò, đặt con nằm lên rồi một mình chở đến trung tâm để nhờ chạy chữa. Thế nhưng, sự thật không như ông kỳ vọng.
“Tôi còn nhớ như in cảnh trời nắng chang chang, 1 mình tôi chở con bằng xe bò kéo đến trung tâm. Ròng rã 1 tháng trời như thế nhưng không có kết quả gì. Con về còn đau hơn trước lúc chữa nên tôi không đưa đi nữa”, ông Bính nói.
Tiếp lời, anh Châu, 1 người hàng xóm cạnh nhà ông Bính cũng cho hay, ngày xưa, không chỉ là ông Bính mà chính anh và rất nhiều người ở xã này đều kháo nhau, kéo đến ông Yên chữa bệnh nhưng không ai có hiệu quả gì.
“Bản thân tôi bị vôi hóa đốt sống, đi 3 lần chữa trị chỗ ông Yên nhưng tôi chưa gặp được ông Yên mà chỉ có đệ tử làm. Họ bảo tôi khom lưng xuống, lấy dầu bôi sau đó lấy lọ dầu đập vào những chỗ xương bị lồi. Họ bảo làm thế để vỡ gai ra. Tôi về đau hơn chết, khiếp không bao giờ quay lại nữa”, anh Châu cho hay.
Không những là ông Bính, anh Châu, theo tìm hiểu của PV, tại tỉnh này số lượng bệnh nhân đến khám, chữa trị tại đây lên đến hàng nghìn người. Ai ai cũng kỳ vọng "pháp thuật" của "thần y" thế nhưng thực tế thì không một ai khỏi bệnh như lời đồn thổi cả. Và khi được hỏi, những bệnh nhân mà tận mắt họ chứng kiến được ông Yên chữa lành bệnh có ai là người quen không thì chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu.
“Cháu tôi bị câm điếc từ nhỏ. Hay tin ông Yên, nhà tôi đưa cháu đến. Lúc đầu, ông Yên cầm tay kéo lưỡi cháu rồi day day ở các huyệt đạo. Được 1 lúc tôi thấy cháu ú ớ được. Thế nhưng, khi về nhà lại không. Tôi tận mắt chứng kiến ông Yên chữa lành bệnh cho nhiều người nhưng những người đó tôi không biết ai cả", bà Nguyễn Thị Chút (SN 1949, trú thôn Nam Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên cho biết.
Thực hư hiệu quả chữa bệnh của “thần y”
Ngày 16/3, Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với đại diện hội Đông y Hà Tĩnh để hiểu rõ hơn về phương pháp và hiệu quả chữa bệnh thực sự của ông Võ Hoàng Yên.
Anh Nguyễn Đức Thành, cán bộ văn phòng hội Đông Y cho biết, anh công tác tại hội từ năm 2005 đến nay nên giai đoạn ông Yên “nổi như cồn” anh là người chứng kiến và nắm khá rõ.
Anh cho biết, ông Yên về Hà Tĩnh hành nghề từ tháng 10/2011 - 30/4/2016. Thời điểm đầu, ông Yên chữa bệnh tại trụ sở hội Đông y Hà Tĩnh nhưng sau đó được UBND tỉnh cấp đất cho xây dựng trung tâm khám chữa bệnh thì ông Yên chuyển vào xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên.
Anh Thành cho hay, trong những năm chữa bệnh tại Hà Tĩnh, đã có hàng nghìn người đến chữa nhưng theo anh biết, không một ai trong số đó khỏi được bệnh.
“Từ lúc vào hội đến lúc nghỉ, ông Yên không hề có bằng cấp của cơ quan nào cả. Ông có nói ông học trên chùa của Tịnh Độ Cư Sỹ nhưng cũng không có giấy tờ, bằng chứng nào xác định. Từ lúc ông Yên về Hà Tĩnh hành nghề và đến lúc đi cũng chưa có 1 giấy tờ nào xác định ông Yên biết về y khoa. Kể cả ông Yên đến hội Đông y cũng là do liên hiệp hội Khoa học công nghệ Hà Tĩnh mời về và hội Đông y là 1 thành viên. Lúc đầu, họ coi ông Yên là 1 người hiểu về y. Ông Yên được mời về theo diện thu hút nhân tài, có năng khiếu về y”, anh Thành nhấn mạnh.
Cũng theo anh Thành, bản thân ông Yên không được đào tạo, không có chuyên môn nên ông Yên chữa bệnh không đúng trình tự, không có tính khoa học mà chỉ làm theo hiểu biết. Chính vì thế, việc chữa bệnh không có hiệu quả về sau.
“Hầu như tất cả các bệnh nhân của ông Yên đều đã đi nhiều bệnh viện và cơ sở lớn khám chữa rồi. Họ tìm đến ông Yên với niềm tin còn nước còn tát. Ông Yên như niềm hi vọng cuối cùng của người bệnh. Tuy nhiên, có khoảng 20 – 30% bệnh nhân đến khám chỉ đỡ được bệnh vào thời điểm ông Yên chữa còn sau đó lại không có hiệu quả lâu dài bởi ông Yên không làm đúng chuyên ngành y tế; không khám nên không thể đánh giá được bệnh, loại trừ những trường hợp không chữa được”, anh Thành nói.
Anh Thành cũng cho hay, thời điểm làm ở hội Đông y, trung bình mỗi ngày, ông Yên khám chữa cho 100 - 120 người. Thời gian đầu chưa hoạt động trung tâm và tại hội, ông Yên không thu phí, khoảng 1 năm sau thì thu phí 100k/người. Và để được ông Yên chữa bệnh nhiều gia đình bệnh nhân đã mất chi phí rất lớn trong quá trình di chuyển, ăn ở và chờ gặp “thần y”.