Làm việc thiện quên cả ăn uống
Sau nhiều năm du học ở nước ngoài, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, trú Quận 1, TP.HCM) quyết định về nước vào tháng 8/2020 để quản lý khách sạn của gia đình. Thời điểm dịch bùng phát trở lại, việc kinh doanh trì trệ nên Phương quyết định đóng cửa khách sạn để sửa chữa.
Những lúc rảnh rỗi, Phương có thời gian quan sát và nắm bắt nhiều hoàn cảnh khó khăn xung quanh cần được giúp đỡ. Vậy là, cô gái trẻ đánh liều kêu gọi trên trang cá nhân. Thời gian đầu kêu gọi, Phương chỉ được bạn bè, người thân ủng hộ. Tuy nhiên, đến trường hợp của người đàn ông tên Hải chạy xe ôm thì lại được nhiều người biết đến
Sau những lần quyên góp tiền để hỗ trợ cho người nghèo, có cuộc sống khó khăn, Nguyễn Đỗ Trúc Phương được cộng đồng mạng yêu mến.
Phương kể: “Hôm đó, tôi đang lướt Facebook thì vô tình đọc được bài viết về chú Nguyễn Hải (huyện Bình Chánh, TP. HCM) chạy xe ôm, không đủ sống, ngày nào cũng phải ăn bánh mì từ thiện. Thấy hoàn cảnh của chú ấy đáng thương, tôi có đăng bài kêu gọi bạn bè, người quen giúp đỡ khoảng 10-15 triệu đồng để mua cho chú chiếc xe máy tốt hơn”.
“Bình thường, tôi quyên góp ít khi được 10 triệu đồng lắm. Bạn bè thân tình cũng chỉ góp được mỗi người 1 triệu đồng thôi. Thế nên, lúc đăng bài, tôi có nói rõ, chỉ muốn mọi người quyên góp đủ 10 triệu đồng. Nhưng, sáng hôm sau, mở điện thoại, tôi thấy 100 giao dịch và mọi người đã quên góp được gần 30 triệu đồng”, Trúc Phương nói thêm.
Trước khi được Phương kêu gọi mạnh thường quân quyên góp tiền, mua xe, điện thoại mới, chú Hải xe ôm có cuộc sống hết sức khó khăn.
Mừng quá, Phương gọi điện cho chú Hải nói: “Chú ơi! Chú đang ở đâu, lát cháu ghé chở chú đi mua xe mới nhé!”. Lúc đầu, chú Hải vẫn chưa tin, nghĩ Phương lừa đảo nên cũng lo lắng. Sau đó, cô gái giải thích, chú Hải mới tin tưởng, đồng ý gặp mặt. Đối diện với người đàn ông trung niên nghèo khó, rụt rè, ít nói, Phương gần như không thể cầm lòng, chỉ muốn bật khóc. Thế nhưng, cô gái trẻ nghĩ bản thân cần phải kiềm chế để chú không phải tủi thân thêm.
Tiếp đó, Phương háo hức dẫn chú Hải đi mua xe máy, điện thoại mới. Sau khi lo lắng cho chú Hải ổn thỏa, Phương trở về nhà mới chợt nhớ cả ngày chưa ăn uống. Việc làm của em được nhiều người biết đến và đánh giá cao. Sau đó, khi thông tin vụ việc anh Phsn VănTâm (Tây Ninh) bị rắn cắn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch được báo chí đăng tải, cộng đồng mạng đã nhắn tin nhờ Phương giúp đỡ.
Có xe, điện thoại mới, chú Hải xe ôm cho biết cuộc sống vơi bớt nhiều cực nhọc.
“Cô tiên” của người nghèo gặp hoạn nạn
Nhận thông tin, cô gái trẻ trực tiếp đến bệnh viện, gặp gỡ chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (28 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh, vợ anh Tâm) để tìm cách giúp đỡ. Khi nghe chị Tuổi kể hoàn cảnh gia đình quá thương tâm, Phương lại ra lời kêu gọi quyên góp. Em xác định việc kêu gọi sẽ dừng lại khi đủ tiền cho anh Tâm chữa trị, một khoản cho các con anh đi học, mua cho gia đình 2 con bò. Làm việc thiện thông minh và biết điểm dừng như Phương đã chạm đến trái tim và lòng tin của nhiều người. Số người ủng hộ việc làm của Phương ngày càng gia tăng.
“Thấy tôi kêu gọi ủng hộ người nghèo, ba tôi lo lắng nếu tôi làm không đúng cách sẽ không tốt, không khéo làm cho người khác hoài nghi. Hoặc giả, tôi giúp nhiều, người ta sẽ thường tìm đến và ỷ lại. Nghe tôi nói quyên đủ tiền mua xe mới cho chú Hải, ba tôi còn không tin và nghĩ tôi lại lấy tiền túi ra giúp người lạ. Sau khi việc làm của tôi lên báo, ba mới tin. Bây giờ, ba không còn lo lắng việc tôi giúp người khác nữa”, Phương hồn nhiên chia sẻ.
Sau khi biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình anh Tâm bị rắn cắn, Phương tiếp tục kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ. Đến nay, cô đã quyên góp được trên 300 triệu đồng.
Phương cũng tự hào cho biết: “Chị Tuổi nói chị tin rất tin tưởng tôi. Các bác sĩ cũng dặn chị ấy tin một mình tôi nên có chuyện gì nhỏ nhặt nhất chị ấy cũng nhờ tôi. Ngay lúc này, tôi có cảm giác như chị ấy tin và xem mình như chỗ dựa duy nhất. Do đó, tôi tự thấy bản thân cần có trách nhiệm trở thành chỗ dựa cho chị ấy, cũng như những hoàn cảnh khó khăn khác”.
Làm việc tốt khiến Phương vui vẻ hơn nhưng cũng mang lại không ít phiền muộn. Phương tâm sự: “Bây giờ, tôi cảm thấy bị áp lực. Quá nhiều người mong đợi, hy vọng ở tôi. Hiện, có rất nhiều người gọi điện đến nhờ tôi giúp đỡ. Nhiều trường hợp xác minh họ không nghèo khổ, khó khăn nên tôi từ chối thì họ quay sang chửi bới”.
Phương cho biết, cô thực hiện các công việc từ thiện từ tâm và chỉ muốn hoạt động một cách thầm lặng.
Những việc thiện gần đây mà Phương làm không phải bộc phát, từ nhỏ, cô gái xinh đẹp này đã có tấm lòng nhân hậu. Có nhiều bạn làm bác sĩ nên Phương thường biết đến các trường hợp người bị tai biến gặp khó khăn. Phương chọn cách giúp họ trả tiền viện phí, san sẻ lúc khó khăn kịp thời và hợp lý.
Trước khi đi du học, Phương thường xuyên đi theo các cô bác, anh chị phát quà từ thiện, phát thuốc miễn phí, tặng bánh mì tình thương… Mẹ của Phương còn kể, lúc còn bé xíu, Phương đã có tính thương người, thấy ai khổ đều sẵn sàng giúp đỡ dù việc làm rất nhỏ bé. “Mẹ tôi kể, hồi đó, thấy ai bán vé số đi ngang qua, tôi cũng chạy vào nhà xúc cơm cho họ ăn… Tôi chỉ nghĩ, mình may mắn hơn người ta, cuộc sống mình tốt hơn người ta sao mình lại không giúp, không san sẻ với người khó hơn. Có mất gì đâu”, Phương cho biết.
Sau khi được Phương cùng những người hảo tâm giúp đỡ, chú Hải xe ôm đã đến tìm cô gái trẻ để nói lời tri ân với cô cũng như các mạnh thường quân.
Nhắc đến Phương, chú Hải (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) xúc động: “Tôi và cô Phương không quen biết, chưa một lần gặp mặt. Vậy mà, cô ấy lại giúp tôi vô điều kiện. Tôi lớn tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, chỉ biết chạy xe ôm nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Chiếc xe quá cũ, hư hỏng, khách thấy xe như thế thì không chịu đi. Không có tiền, ngày nào, tôi cũng đến tủ bánh mì từ thiện xin bánh ăn qua bữa. Có lẽ, tôi đến nhiều lần quá, người dân xung quanh quen mặt, rồi chụp hình đăng lên mạng xã hội”.
Đúng như mong ước của cộng đồng mạng, Phương đã xuất hiện giúp đỡ người đàn ông nghèo khó. Phương đã giúp cuộc đời chú Hải vơi bớt khó khăn. “Từ lúc có xe máy, điện thoại mới, tôi có nhiều khách hơn. Tôi bất ngờ và bồi hồi lắm. Tôi không nghĩ rằng trên đời này lại có một người tốt đến như vậy. Tôi không dám tin lại có người dám bỏ ra cả chục triệu mua xe mới, điện thoại mới, quần áo, giày dép… cho một người không quen biết, thân thích”.
Sau khi hoàn tất việc giúp đỡ gia đình anh Tâm, cô gái trẻ lại tiếp tục các việc làm thiện nguyện của mình.
Còn với gia đình chị Tuổi, Phương như ánh sáng hy vọng lóe lên lúc cả nhà vô cùng tuyệt vọng. “Tôi rất vui mừng, trong lúc ngặt nghèo lại có một người tốt đến thế xuất hiện, giúp đỡ hết mình. Nếu không có chị ấy và các nhà hảo tâm, tôi không biết sẽ xoay sở thế nào. Trong lúc tuyệt vọng nhất, chị ấy đã đến và cho tôi cảm giác như mình có chỗ dựa chắc chắn”, chị Tuổi cho biết.
Vừa dừng kêu gọi cho gia đình anh Tâm, Phương lại bắt đầu chuỗi ngày tất bật kêu gọi cho ông bà Tư bán đá bào ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Vẫn cách làm minh bạch và hợp lý, Phương chia sẻ, chỉ quyên góp cho ông bà đủ tiền đóng trọ 1 năm, mở tiệm tạp hóa nho nhỏ, sắm xe mới, mời bác sĩ khám bệnh cho bà Tư.