Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị đề nghị 13 năm tù

Admin
Biết rõ hành vi cấp văn bằng 2 không qua tuyển sinh đào tạo là phạm pháp nhưng vẫn ký 429 văn bằng giả, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô đối mặt mức án 13 năm

Sau hơn 1 ngày xét hỏi, sáng nay (24/12), VKSND Tp.Hà Nội đã đưa ra quan điểm luận tội và mức án đề nghị đối với một số cựu lãnh đạo trường Đại học Đông Đô trong vụ án Giả mạo trong công tác.

Cơ quan quan công tố xác định, chủ mưu của vụ án là Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, song bị can hiện đang trốn truy nã, cơ quan điều tra sẽ xử lý khi bắt được Hùng.

Đối với 10 bị cáo bị truy tố ra trước tòa ngày hôm nay, VKS nhận định: Các bị cáo đều là những người có trình độ học vấn cao, (bị cáo Dương Văn Hòa, cựu Hiệu trưởng là tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế), hiểu biết pháp luật, song phạm tội vì động cơ vụ lợi.

“Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm các hoạt động hợp pháp của cơ quan tổ chức, gây dư luận xấu, bất bình, mất niềm tin trong xã hội và làm giảm chất lượng đào tạo sau đại học của nói chung”, công tố viên Trần Thị Thu Hương, đại diện VKSND Hà Nội nhận định.

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo buộc của VKS, các bị cáo cho rằng mình không oan, không bị ép cung, mớm cung trong giai đoạn điều tra, từ đó đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, bị can Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Hồ sơ điều tra - Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị đề nghị 13 năm tù

Các bị cáo đứng nghe quan điểm luận tội của VKS (Ảnh Hữu Thắng).

Trong số người được cấp bằng đại học và chứng nhận giả, 67 người dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ, thi công chức hoặc thi thăng hạng. Hiện, 2 người đã bị miễn nhiệm chức vụ, 14 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách hoặc kiểm điểm. Nhiều cơ sở đào tạo đã hủy kết quả nghiên cứu sinh đối với 31 người mua bằng giả.

Đến nay, CQĐT làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định; 221 trường hợp khác được cấp văn bằng giả xác định được họ tên, tuổi người nhận bằng, nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

VKS xét thấy, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ do phạm tội lần đầu, không được hưởng lợi hoặc đã nộp lại phần tiền hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên truy thu số tiền 7,1 tỷ đồng thu lợi bất chính từ các hành vi phạm tội, được xác định đã nộp về quỹ của trường Đại học Đông Đô.

Trong phiên xét xử, nhiều thành phần được HĐXX triệu tập, song đều vắng mặt, như Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 210 người mua bằng giả của đại học Đông Đô được mời đến phiên toà với tư cách người có quyền lợi liên quan, 208 người không đến.

Từ các phân tích trên, VKSND đề nghị HĐXX xử phạt bị

cáo Dương Văn Hòa mức án từ 12 – 13 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng.Hai bị cáo Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (cựu Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0, Trưởng ban In bằng) cùng bị đề nghị mức án từ 9 – 10 năm tù.

Bị cáo Trần Ngọc Quang (cựu Phó trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên) bị đề nghị mức án từ 8 – 9 năm tù; Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài vụ) bị đề nghị mức án từ 6 – 7 năm tù; Phạm Vân Thùy (cựu nhân viên Viện Đào tạo liên tục) bị đề nghị mức án 3- 4 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 12 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Phiên toà đang tiếp tục làm việc với phần bào chữa của các luật sư.