Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân

Admin
Không điện, các hộ dân bản Đôm gần như chỉ biết bấu víu vào rừng núi. Thế nên hệ thống điện lưới được đầu tư xây dựng đã giúp cuộc sống người dân thay đổi.

Vui điện sắp về bản xa

Từ ngàn đời nay, người dân bản Đôm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An chưa hề biết đến lưới điện quốc gia là gì. Thậm chí, chỉ vài chục năm trước đối với họ, ánh điện như là một thứ gì đó quá vĩ đại, mà có nằm ngủ cùng chẳng dám mơ đến.

Một phần do đường sá đi lại khó khăn, bản Đôm nằm sâu trong khu vực rừng núi, từ trung tâm huyện Quỳ Châu vào chỉ hơn 15km nhưng đã mất nhiều tiếng đồng hồ. Phần khác, các hộ dân đều là cộng đồng dân tộc Thái, tư liệu sản xuất hạn chế và diện tích đất đai ít ỏi, nên cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân nơi đây gần như chỉ biết bấu víu vào rừng núi.

Chính sách - Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân

Tua bin nước là nguồn điện duy nhất của người dân nhiều năm nay.

Anh Vi Văn Bình, Trưởng bản Đôm 2 cho biết, bản này có gần 160 hộ dân, cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn. “Trước đây chưa có điện, người dân bị hạn chế vô cùng, không được tiếp thu với cuộc sống hiện đại. Cứ ai được ra trung tâm, nhìn thấy nhà nhà đèn sáng rực trời thì đều thấy rất khát khao được sống như vậy”, anh Bình nói.

Cụ Lang Thái Loan (70 tuổi, trú ở bản Đôm 2) nhớ lại: “Trước đây, khi chưa có điện, người dân trong bản phải thắp đèn dầu, thắp nến hoặc đốt củi lửa trong nhà để có nguồn sáng. Chỉ mới khoảng chục năm trước, một số gia đình có điều kiện hơn thì mới mua tua bin phát điện, đặt dưới khe suối tận dụng dòng chảy của nước suối để có điện sử dụng. Lúc này, chúng tôi mới biết đến tivi, điện thoại…”.

Tuy nhiên, nguồn điện chạy bằng sức nước vô cùng yếu, lại hay chập chờn. Vì vậy, nhiều khi chẳng đủ nguồn sáng. Vào mùa khô nóng, nguồn nước suối cạn dòng thì không chạy được nữa. Đến mùa mưa, nếu không nhanh tay cất đi thì sẽ bị dòng nước lũ cuốn trôi mất. Vì vậy, bao đời nay, người dân vẫn mong đợi một ngày nào đó, dòng điện quốc gia sẽ đến để đem văn minh về cho bản làng...

Chính sách - Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân (Hình 2).

Tuy nhiên nguồn điện vô cùng yếu, chập chờn.

Điều mong ước bao đời của bà con người dân tộc Thái nơi đây sắp thành hiện thực, khi việc lắp đặt hệ thống lưới điện đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng và chờ ngày gần đây nhất để đóng điện. Nhà cụ Lang Thái Loan là một trong những hộ đầu tiên của bản Đôm 2 được đóng điện thử nghiệm.

Nhìn ánh đèn sáng rực trong đêm tối, cụ Loan không nghĩ đến vào những năm cuối đời thực sự có thể xem tivi mỗi ngày, nghe loa đài hát thâu đêm suốt sáng. “Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây. Các cháu, các con đã có điện để học hành, làm việc. Từ khi có ánh sáng, bản làng như sôi động hẳn lên”, cụ Loan vui vẻ nói.

Ông Lương Văn Năm - Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: “Đợt này mới đóng điện được vài chục hộ dân tại bản Đôm 2. Hiện, công tác thi công các trạm và hệ thống cột đi những khu vực còn lại của bản Đôm 2, bản Đôm 1 và bản Luồng đang được nhà thầu khẩn trương thực hiện. Dự kiến bà con sẽ có điện để đón Tết”.

Chính sách - Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân (Hình 3).

Hệ thống điện đã kéo về từng bản.

Sẽ có điện cho người dân đón Tết

Ông Trương Quang Định - Giám đốc điện lực Quỳ Châu, cho biết đơn vị thi công đang nỗ lực kéo những mét dây trung áp cuối cùng để lắp vào trạm biến áp vừa mới được lắp đặt xong. Dọc theo các tuyến đường ở các bản, những hàng cột điện hạ thế đang được dựng lên và đồng bộ với mạng lưới công tơ và đường dây dẫn vào từng hộ dân.

“Tuy nhà dân ở rải rác, cách nhau khá xa nhưng ngành điện cũng quyết tâm đến ngày 30/12 nay sẽ chính thức đóng điện cho các bản ở xã Châu Phong. Chúng tôi đang phấn đấu để bà con dân làng sẽ có nguồn sáng để đón Tết Tân Sửu trong niềm vui, niềm hân hoan”, ông Định nói.

Chính sách - Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân (Hình 4).

Cán bộ điện lực Quỳ Châu kiểm tra lại công tơ trước khi đóng điện.

Được biết, đợt này huyện Quỳ Châu sẽ có 5 bản được hòa vào lưới điện quốc gia, trong đó có bản Đôm ở xã Châu Phong và 4 khác ở xã Diên Lãm. Công tác xây dựng đáng lẽ đã hoàn thành từ trước đó nếu không có nhiều ngày mưa lũ.

Gần đây, thời tiết mới bắt đầu thuận lợi. Vì vậy, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực cùng máy thi công mở đường xuyên rừng để đưa vật liệu, thiết bị vào; phối hợp với dân bản gùi từng bì vật liệu; tời kéo từng cột điện, trạm biến áp vượt qua những dốc đứng vào điểm lắp đặt.

Chính sách - Điện về bản xóa đi niềm cơ cực của người dân (Hình 5).

Cụ Loan vui mừng khi điện lưới đã được kéo về tận nhà.

Ông Bành Hồng Hiển – Giám đốc công ty Điện lực Nghệ An cho hay, vào đầu năm 2020, đơn vị đã huy động tổng lực máy móc thi công, nhân vật lực để khẩn trương hoàn tất việc đưa điện quốc gia đến 32 bản, cụm dân cư - nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, HMông trên địa bàn 12 xã, thuộc các huyện rẻo cao 30A Nghệ An.

Với tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng, các đơn vị thi công đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc thi công ở khu vực rừng núi, hoàn thành việc lắp đặt 2.539 cột điện và kéo hơn 100 km đường dây trung, hạ thế; xây mới 28 trạm biến áp các loại với tổng dung lượng 4.463 kVA; lắp mới gần 3.400 công tơ cùng hệ thống điện sau công tơ cho mỗi gia đình.

“Đợt này, ngoài Quỳ Châu thì huyện Tương Dương cũng sẽ có 15 bản; huyện Kỳ Sơn có 8 bản; huyện Quỳ Châu 5 bản và huyện Quế Phong 4 bản chính thức có điện lưới quốc gia. Đây là những bản rẻo cao, địa hình đồi núi hiểm trở, xa lưới điện quốc gia, xa đường giao thông; dân cư ở rải rác, thưa thớt;… vì vậy việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, cán bộ, nhân viên điện lực đều làm việc hết mình để mang ánh sáng về cho người dân”, ông Hiển nói.

Hiện nay Nghệ An vẫn còn 153 thôn bản ở vùng núi rẻo cao chưa có điện lưới quốc gia. Đây là con số khá lớn, trong đó nhiều nhất là huyện Kỳ Sơn 87 bản; kế đến huyện Quỳ Châu 13 bản, huyện Quế Phong 12 bản...