Đồng Nai sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 4

Admin
Theo kế hoạch, bộ Y tế sẽ phân bổ cho Đồng Nai trên 16.000 liều vaccine ngừa Covid-19 và dự kiến đến cuối tháng 4 Đồng Nai sẽ tiêm vaccine này.

Ngày 13/4, ông Bạch Thái Bình, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, theo kế hoạch, trong tuần sẽ có khoảng 16.800 liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ được bộ Y tế phân bổ cho Đồng Nai.

Dự kiến cuối tháng 4, Đồng Nai sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine và hoàn thành tiêm đợt 1 trong tháng 4 này.

Sự kiện - Đồng Nai sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 4

Vaccine Covid-19 sẽ được tiêm trong cuối tháng 4 tại Đồng Nai.

Để làm tốt công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngành Y tế Đồng Nai sẽ dành khoảng 3-7 ngày để tổ chức tập huấn cho những cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ liên quan từ xã đến tỉnh.

Ngoài ra, cũng dành nhiều thời gian để các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị tất cả những điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư hóa chất liên quan, phát giấy mời cho những người thuộc diện ưu tiên tiêm chủng đợt 1,…

Ông Bình cho hay, kết quả thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 2,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên.

Trong đó, dự thảo kế hoạch tổng thể tiêm chủng ngừa vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của tỉnh, Đồng Nai hướng tới mục tiêu 85% người dân trong diện tiêm chủng (từ 18 tuổi trở lên) sẽ được tiêm chủng đầy đủ.

Trước mắt, khi lượng vaccine còn hạn chế, mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi vaccine. Mỗi mũi cách nhau 3 tháng.

Cụ thể, ở tuyến xã sẽ bao gồm: Những người trong ban chỉ đạo phòng chống dịch, các lực lượng trực tiếp tham gia điều tra ca nhiễm bệnh, ca nghi ngờ, tham gia quản lý người cách ly tại nhà (gồm cán bộ y tế xã, công an khu vực, công an xã, cán bộ ấp, cộng tác viên y tế).

Ở tuyến huyện bao gồm: Lực lượng công an, quân đội phục vụ trong các khu cách ly tập trung, các đối tượng tham gia điều tra, phối hợp điều tra những đối tượng cách ly ở cơ sở; lực lượng y tế trực tiếp tham gia phòng chống dịch (gồm cán bộ xét nghiệm, cán bộ điều trị trong các khoa Nhiễm của trung tâm y tế, bệnh viện).

Ở tuyến tỉnh bao gồm tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ trong các khu cách ly, tất cả cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Đối với các bệnh viện đa khoa sẽ bao gồm cán bộ, nhân viên xét nghiệm, nhân viên làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong khoa Nhiễm.

Và các thành viên trong ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh có nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát cơ sở; lực lượng công an quản lý trật tự xã hội, công an làm việc ở phòng xuất nhập cảnh; các cán bộ cảng vụ, hải quan; phóng viên trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch,… cũng thuộc diện ưu tiên tiêm đợt 1.

Do đó, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ lập danh sách và trình lên sở Y tế, UBND tỉnh phê duyệt để triển khai tiêm khi vaccine về.

Ông Bình cho biết: “Yêu cầu cao nhất trong tiêm chủng đó chính là độ an toàn của vaccine. Do đó, tất cả các khâu trong quy trình tiêm chủng phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của bộ Y tế.

Vaccine ngừa Covid-19 là loại vaccine mới nhưng để được đưa vào sử dụng, vaccine này cũng đã phải trải qua tất cả các quy trình kiểm duyệt theo quy định. Khi nhập vaccine AstraZeneca vào Việt Nam, bộ Y tế cũng đã thực hiện các bước kiểm định theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, vaccine này đảm bảo đầy đủ các yêu cầu giống như các vaccine khác.

Không riêng thuốc hay vaccine mà bất cứ thứ gì khi đưa vào cơ thể con người đều có một tỷ lệ không tương thích nhất định. Những tác dụng không mong muốn khi tiêm vaccine là luôn có nhưng ở mức độ thấp, không đáng kể so với số người được sử dụng vaccine. Đến nay, mức độ an toàn đối với vaccine AstraZeneca rất cao. Tại Việt Nam, qua đợt 1 tiêm vaccine này (từ ngày 8/3 đến 8/4) đã có hơn 55.000 người tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm.

Kết quả rà soát có khoảng 1% trường hợp có phản ứng sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào đông máu và huyết khối xảy ra sau tiêm chủng”.