Ngày 2/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 7 đối tượng, triệt phá thành công một đường dây buôn người ra nước ngoài.
Thời gian qua, không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai mà rất nhiều nạn nhân là người dân ở các địa phương trên cả nước sập bẫy bọn buôn người với chiêu trò tuyển dụng việc làm, kèm theo đó những lời hứa hẹn hấp dẫn như: Việc nhẹ, lương cao khiến nhiều nạn nhân vì tin tưởng vào lời hứa mà sập bẫy.
Mới đây, từ cuộc gọi điện thoại cầu cứu của nạn nhân là anh Phạm Văn Hòa ở Tp.Biên Hòa gọi đến Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đang bị bọn buôn người lừa đưa sang Campuchia làm việc. Nhận tin báo, Lãnh đạo Công an tỉnh lập tức chỉ đạo cho các phòng, ban nghiệp vụ tung trinh sát vào cuộc, tiến hành truy xét các đối tượng và giải cứu nạn nhân.
Từ thông tin ban đầu do nạn nhân cung cấp địa chỉ nơi mình đang bị giam giữ, một tổ công tác tiếp cận nhưng nạn nhân đã bị các đối tượng đưa đi nơi khác.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy vết, trinh sát phát hiện các đối tượng đang đưa 3 nạn nhân là: Phạm Văn Hòa, Đỗ Tiến Đạt (ngụ Tp.Biên Hòa) và Lê Chí Thông (ngụ tỉnh Bình Phước) sang một ô tô tại khu vực xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An để di chuyển sang Campuchia.
Lập tức, trinh sát ập vào bắt giữ các đối tượng và giải cứu các nạn nhân.
Từ vụ bắt giữ trên, cơ quan điều tra tiếp tục khai thác, làm rõ hành vi buôn người cũng như vai trò của từng đối tượng gồm: Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thanh Quy, Lê Văn Lộc, Huỳnh Văn Út, Huỳnh Thanh Phong và Chế Minh Nhật (ngụ tỉnh Tây Ninh) và Vòng Phát Chương (ngụ Tp.HCM)
Tại cơ quan điều tra, Chương khai quen biết với một đối tượng ở Campuchia là Vương Văn Thành (hiện chưa rõ danh tính) qua mạng xã hội.
Thành nói với Chương công ty của mình làm việc ở Campuchia cần tuyển nhiều người. Nếu Chương tìm được người và đưa đến một số điểm hẹn ở Tp.HCM để Thành đưa sang Campuchia thì Chương được trả tiền.
Từ lời hứa trên, đầu năm 2022, Chương rủ thêm các đối tượng là Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thanh Quy, Lê Văn Lộc, Huỳnh Văn Út, Huỳnh Thanh Phong và Chế Minh Nhật tham gia. Chương giữ vai trò cầm đầu và trực tiếp phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng.
Chúng lên mạng xã hội đăng tải các thông tin tuyển dụng. Khi có người vào hỏi thông tin lập tức chúng tung chiêu “săn mồi” bằng cách rủ rê đi làm việc tại các tỉnh vùng biên, nhưng thực chất là đưa sang Campuchia bằng cách vượt biên qua đường tiểu ngạch.
Tính đến thời điểm bị bắt giữ, nhóm đối tượng trên đã đưa gần 200 nạn nhân qua Campuchia.
Hiện, vụ án buôn người vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Theo cơ quan công an, buôn bán người luôn là một dạng tội phạm nguy hiểm và gây ra những nhức nhối cho xã hội. Từ những lời hứa hẹn tốt đẹp ban đầu, nhưng khi nạn nhân đã sập bẫy và bị đưa qua bên kia biên giới, sẽ bị cưỡng bức lao động với những công việc nặng nhọc và đối xử thậm tệ.
Nếu ai muốn về phải trả cho bọn buôn người một số tiền chuộc rất lớn. Đây là một trong những tội ác khủng khiếp, gây ra những tổn thương rất lớn cho các nạn nhân dù đã được giải cứu trở về.
Để phòng, chống với tội phạm buôn người một cách hiệu quả không chỉ dựa vào sự phá án của lực lượng công an, sự truyền tải thông tin của truyền thông, báo chí mà cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng ở các cấp, các ngành, tổ chức và chính quyền.
Các cơ quan, chính quyền cần nêu rõ những âm mưu, thủ đoạn và những chiêu trò cũng như hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu đến từng hộ gia đình, thôn, ấp, khu phố thì mới mong ngăn chặn được loại tội phạm nguy hiểm này.