Hệ lụy sạt lở từ bến thủy nội địa và bến bãi tập kết cát ở Quảng Nam

Admin
Những bãi tập kết cát ven sông, những bến thủy nội địa sơ sài đã khiến tình trạng sạt lở ven sông Vu Gia - Thu Bồn trở nên trầm trọng.

Đi dọc theo hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn ngang qua địa phận xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mới thấy hết sự nghiêm trọng của sạt lở. Đất đai, hoa màu của người dân đều đổ sông, đổ bể.

"Khu đất nông nghiệp ven sông của làng Nhị Dinh vốn tít ngoài sông. Thời gian gần đây, nước liên tục ăn mòn vào khiến đất sạt lở xuống sông hết. Nếu cứ đà này chẳng mấy chốc bà con cũng hết đất canh tác", một người dân cho biết.

Môi trường - Hệ lụy sạt lở từ bến thủy nội địa và bến bãi tập kết cát ở Quảng Nam

Đất đai nông nghiệp người dân thôn Nhị Dinh trôi sông vì sạt lở, xói mòn.

Theo cái chỉ tay của người dân bản địa, phóng tầm mắt ra xa đoạn gần bờ sông, chúng tôi vẫn có thể dễ dàng bắt gặp gốc tre, bụi chuối ngoi ngóp nơi mặt nước. Gốc tre, bụi chuối đó vốn nằm trên triền đất dài nay bị "hà bá" nuối chửng.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, ngoài nguyên nhân tự nhiên, hướng chảy dòng sông thất thường gây ra vấn nạn sạt lở thì câu chuyện hút cát, tập kết cát sông Thu Bồn được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

"Cát sỏi bị hút suốt đêm gây nên xói lở bờ sông. Dưới sông thì tàu bè, trên bờ thì xe tải, xe ben ào ào chở cát. Thử hỏi sông suối nào chịu nổi", một người dân địa phương thở dài bất lực.

Môi trường - Hệ lụy sạt lở từ bến thủy nội địa và bến bãi tập kết cát ở Quảng Nam (Hình 2).

Bến thủy nội địa và bến bãi tập kết cát ngay bờ sông của hộ bà Lê Thị Tiện chưa thực hiện đúng quy định kết nối hạ tầng khiến tình trạng sạt lở diễn ra.

Như một quy luật, ban ngày hàng chục tàu hút cát nằm phơi bụng ven sông. Nhưng ban đêm chúng tỏa đi "gặm" cát khắp nơi dọc theo con sông. Lực lượng chức năng thị xã Điện Bàn từng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép về đêm.

Tại địa phận xã Điện Phước - ngay vị trí xảy ra sạt lở trầm trọng nhất tồn tại bến thủy nội địa của hộ bà Lê Thị Tiện (trú địa phương).

Theo tài liệu từ UBND thị xã Điện Bàn, bà Tiện có giấy phép bến thủy nội địa 2878/GPBTNV-SGTVT cấp ngày 8/11/2019 và hết hạn ngày 31/12/2020. Tức giấy phép này đến nay đã hết hạn.

Tuy nhiên, cũng theo cơ quan chức năng, thực tế bến thủy này hoạt động đã lâu nhưng có chưa kết nối, đồng bộ hạ tầng đê kè khiến tình trạng sạt lở xảy ra.

Cũng tại vị trí bến thủy nội địa này, bà Lê Thị Tiện thành lập một bến bãi tập kết cát khổng lồ nằm ngay trên mép bờ sông.

Theo quy hoạch, bãi tập kết cát rộng 2.000m2. Tuy nhiên, thực tế núi cát khổng lồ này rộng đến 4.000m2, lấn sang phần đất nông nghiệp của các hộ lân cận. Việc tăng thêm này cũng chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Môi trường - Hệ lụy sạt lở từ bến thủy nội địa và bến bãi tập kết cát ở Quảng Nam (Hình 3).

Ghe tàu cấp tập vào các bãi tập kết cát. Khai thác cát sông Vu Gia - Thu Bồn từ có phép cho đến trái phép đang gây ra vấn nạn sạt lở ngày một nghiêm trọng.

"Bãi tập kết cát này chưa thực hiện đúng một số quy định như lắp camera, trạm cân. Ở bến thủy nội địa chưa có kè, kết nối hạ tầng khiến sạt lở xảy ra", một cán bộ UBND thị xã Điện Bàn thông tin.

Khi nghe PV đề cập vấn đề trên, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết sẽ kiểm tra thông tin sự việc!