Kịch bản nào phòng, chống đại dịch Covid-19 trong tình hình mới?

Admin
Covid-19 trên thế giới vẫn có diễn biến phức tạp, nhưng những ngày qua một bộ phận người dân Việt vẫn thờ ơ, chủ quan trước dịch bệnh. Vậy, kịch bản nào để Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 trong giai đoạn tiếp theo?

Không để dịch bùng phát trở lại

Đến nay, đã hơn 30 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng. Theo dự báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc-xin điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn.

Mặc dù vậy, những ngày qua nhất là ở các thành phố lớn, có thể nhận thấy việc một bộ phận người dân vẫn đang thờ ơ với đại dịch, ra đường không đeo khẩu trang hoặc “quên” sát khuẩn tay khi đến chỗ đông người. Điều này khiến không ít người bày tỏ sự lo lắng dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) - cho biết: “Hiện nay, chúng ta đang mở cửa đường bay hai chiều nên cần phải có những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bởi, đã hơn 30 ngày qua chúng ta không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, điều này đồng nghĩa với việc trong cộng đồng không còn mầm bệnh. Nên, mầm bệnh chỉ có thể ở bên ngoài vào. Vì vậy, phải kiểm soát chặt chẽ, không cho dịch bùng phát trở lại như đợt ở Đà Nẵng vừa qua”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng phải luôn luôn cảnh giác trước đại dịch Covid-19.

Bày tỏ quan điểm của mình về việc có cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch trong giai đoạn mới, ông Nga cho rằng,bộ Y tế phải tham mưu cho Chính phủ, xây dựng kịch bản, kế hoạch hoạt động chống dịch trong thời gian tới. “Theo tôi, cần phải có kịch bản chống dịch, bởi đại dịch Covid-19 vẫn có thể bùng phát nên chúng ta phải luôn luôn cảnh giác”, ông bày tỏ.

BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - nhìn nhận, hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi những ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng thì đúng là tâm lý của người dân có phần chủ quan với việc sử dụng các trang thiết bị phòng hộ như đeo khẩu trang, tụ tập nơi đông người…

Chia sẻ thêm về việc chúng ta có cần phải bổ sung các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn, BS Hùng cho rằng: “Nếu cần có những biện pháp mạnh hơn như giãn cách xã hội, thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ đưa ra quyết định”.

Sự bình yên rất mong manh

Cũng theo BS Hùng, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay vẫn là tuyên truyền để người dân thấy rằng không nên chủ quan. Bởi lẽ, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn rất phức tạp: “Cụ thể như Mỹ và các nước châu Âu số lượng người nhiễm và tử vong vẫn rất cao, có nhiều đợt làn sóng. Có những quốc gia sau khi làm công tác giãn cách tốt thì đỡ nhưng sau đó lại bùng lại đợt 2, đợt 3… Vì vậy, chỉ có cách tuyên truyền mạnh mẽ để người dân không chủ quan, còn khi nào dịch bệnh trên thế giới chưa ổn định thì sự bình yên của chúng ta vẫn rất mong manh. Tôi lấy ví dụ như đợt dịch lần một, sau khoảng 90 ngày không có ca nhiễm ngoài cộng đồng thì chúng ta phải gánh đợt dịch lần hai ở Đà Nẵng”.

BS Thân Mạnh Hùng nhấn mạnh người dân không được lơ là, chủ quan.

Bên cạnh đó, liên quan đến thông tin mùa đông dịch bệnh Covid-19 sẽ lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn, vị bác sĩ này cho rằng: “Những bệnh truyền nhiễm nói chung, nhất là những bệnh lây qua đường hô hấp thường liên quan đến thời tiết các mùa trong năm. Tuy nhiên, Covid-19 hơi đặc thù và không liên quan đến mùa nhiều. Trước đây, khi dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán quan điểm của các nhà truyền nhiễm cho rằng dịch bệnh có thể lây dễ dàng hơn vào mùa đông, còn mùa hè hoặc những nơi có khí hậu nóng thì khó lây. Nhưng, trên thực tế diễn ra ở thời điểm này, một số nước như châu Phi, châu Âu… nắng nóng nhiều nhưng vẫn lây như thường, nên để kết luận dịch bệnh Covid-19 dễ lây lan theo mùa thì chưa đủ cơ sở”.

Còn theo ông Nga mùa đông Covid-19 có điều kiện dễ lây lan hơn, còn có khó kiểm soát hơn hay không thì do khâu kiểm soát dịch bệnh của đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh. “Mùa đông thời tiết lạnh nên người dân thường ở trong nhà kín, nếu có hội thảo, hội nghị cũng ở trong phòng kín… điều này rất dễ tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh. Việc tập trung đông người ở môi trường kín dễ lây lan dịch bệnh hơn”, ông Nga nói.

Để phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ông Nga nhấn mạnh: “Tuyệt đối chúng ta không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… là biện pháp cơ bản nhất. Đồng thời, cần tuyên truyền vận động người dân hạn chế tập trung nơi đông người. Những ai có triệu chứng biểu hiện bệnh thì cần thiết phải vào bệnh viện, đặc biệt bệnh viện phải cảnh giác rất cao vì mùa đông có nhiều loại bệnh có biểu hiện tương tự hoặc không phải Covid-19. Nên phải sàng lọc tất cả mọi trường hợp”.

Việt Nam hơn 30 ngày không có ca mắc Covid-19

Theo ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tới 6h ngày 5/10 Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.363 người, có 35 ca tử vong và 1.020 ca bệnh được điều trị khỏi Covid-19