Kỳ án "vườn điều": Giải mã “góc khuất” phía sau bức thư tình

Admin
Trong vụ án "vườn điều", Huỳnh Văn Nén chính là chìa khóa giải mã những góc khuất phía sau bức thư tình oan nghiệt.

Sau khi đoàn công tác vụ Kiểm sát xét xử (vụ 3-VKSND Tối cao) vào VKS xét xử phúc thẩm tại TP.HCM đọc hồ sơ, trao đổi với lãnh đạo, kiểm sát viên, gặp gỡ một số luật sư, nghiên cứu dư luận báo chí…, những “góc khuất” của vụ án “vườn điều” cũng dần được tháo gỡ.

Bức thư tình oan nghiệt

Theo lời kể của ông Dương Thanh Biểu, qua nghiên cứu của đoàn công tác vụ 3, vụ án “vườn điều” xảy ra từ giữa năm 1993 nhưng sau đó tạm đình chỉ điều tra vì không tìm được thủ phạm. Năm năm sau, Huỳnh Văn Nén (con rể bà Lâm) ở Bình Thuận bị bắt trong vụ án giết bà Lê Thị Bông khai về thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ là bà Nguyễn Thị Lâm cùng 10 người trong gia đình thực hiện. Từ lời khai của Nén, tháng 12/1998, cơ quan điều tra đã phục hồi điều tra vụ án giết bà Mỹ.

Pháp luật - Kỳ án 'vườn điều': Giải mã “góc khuất” phía sau bức thư tình

Ông Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa hơn 20 năm về trước.

Quá trình điều tra xác định, đầu năm 1993, Sáng có quan hệ tình ái với Dương Thị Mỹ. 9h sáng 18/5/1993, Nhung (vợ Sáng) giặt quần cho chồng thì phát hiện trong túi quần có lá thư với nội dung “Mỹ muốn gặp Sáng vào 1h đêm nay tại vườn đào ông Hai Hoàng”. Sau đó, Nhung đã tổ chức cho Lâm, Nhung, Cẩm, Sơn, Tiền, Tiến, An, Vân và Nén đi đánh ghen. Đêm 18/5/1993, Lâm mang dao bầu, Nén mang dao Thái Lan, Nhung mang kéo, những người còn lại mang gậy đi ra vườn điều đánh ghen. Hậu quả là Mỹ bị sát hại tại vườn điều.

Vụ án có 3 bị cáo nhận tội, 7 bị cáo không nhận tội. Ba bị cáo nhận tội là Nén, Lâm và Vân. Nén có 25 lời khai, 1 bản đối chất với bà Lâm và 5 bản tự khai. Lời khai nhận tội của Nén thể hiện: Là người sửa nhà cho vợ chồng Nhung và Sáng cho nên thấy nhiều lần bà Mỹ đến nói chuyện to nhỏ với anh Sáng. Ngày 18/5/1993, Nén thấy chị Nhung giặt quần cho anh Sáng sau giếng nước. Một lúc sau chị Nhung phát hiện trong túi quần anh Sáng có một lá thư viết tay trên tờ giấy học sinh với nội dung: “Mỹ cần gặp anh Sáng lúc 1h đêm nay tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng”. Sau đó, chị Nhung gọi mẹ (bà Lâm), vợ tôi (Cẩm), em vợ (Tiến) và tôi có mặt tại nhà Nhung để nghe Nhung đọc thư cho mọi người nghe. Đọc xong thư, chị Nhung nói: “Tối nay phải đánh con Mỹ một trận”. Sau đó chị Nhung hẹn mọi người 12h đêm tập trung tại vườn điều ông Hai Hoàng.

Nén khai 10 người đi đánh ghen, có cả Nén. Còn việc đánh bà Mỹ như thế nào thì có bản cung Nén khai hành vi của từng người nhưng có bản cung Nén khai không biết ai chém, đánh bà Mỹ. Về cướp tài sản thì Nén khai nghe mẹ vợ (bà Lâm) nói do Tiến lột nhẫn và hoa tai. Về hung khí gây án là con dao phay và dao Thái Lan, Nén khai sau khi gây án xong, Nén và Tiến đưa đi chôn sau nhà.

Pháp luật - Kỳ án 'vườn điều': Giải mã “góc khuất” phía sau bức thư tình (Hình 2).

Phiên xét xử phúc thẩm lần 1 ngày 14/6/2001.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất (ngày 5/4/2002), Nén vẫn xác định có bức thư của bà Mỹ gửi cho Sáng và việc đi đánh ghen bà Mỹ có tất cả 10 người: Lâm, Nhung, Sơn, Tiền, Tiến, Vân, An, Cẩm và Nén. Còn chém là do bà Lâm, những người khác đánh bằng gậy, còn Nén có cầm dao Thái Lan đi. Không có ai hướng dẫn khai...

Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, Nén phản cung và cho rằng, sở dĩ khai nhận tại sơ thẩm là do bị ép cung. Sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra 9 nội dung. Quá trình điều tra, Nén khai sở dĩ tại phiên tòa phúc thẩm phản cung vì do gia đình vợ đe dọa tôi. Và lần này, Nén khai nhận tội như tại tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (27/7/2004), Nén không nhận tội. Nguyên nhân nhận tội trong những lời khai trước đây là do bức cung.

Các bị cáo Nén, Lâm và Vân đều khai nhận tội là do điều tra viên bức cung, mớm cung. Qua nghiên cứu thấy nhiều bản cung có các điều tra viên và kiểm sát viên, thậm chí có cả luật sư tham gia... Các bản cung đều có chữ ký của bị cáo. Chưa có tài liệu nào khẳng định có bức cung nhục hình.

“Chìa khóa” Huỳnh Văn Nén cùng những chứng cứ gỡ tội

Những lời khai nhận tôi của Nén, của bà Lâm thì lại mâu thuẫn với nhau. Lúc đầu Nén khai có chứng kiến việc Nhung giặt quần cho Sáng thì phát hiện bức thư trong túi quần. Sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm điều tra lại thì Nén khai Nhung phát hiện thư lúc nào không biết.

Nén khai nạn nhân là bà Mỹ nằm ngửa nhưng khám nghiệm hiện trường lại ghi nạn nhân nằm nghiêng. Về nhận dạng: Cơ quan điều tra không tiến hành nhận dạng, không lấy vân tay. Không tổ chức cho chồng, con nạn nhân nhận dạng.

Bức thư tình là quan trọng nhất nhưng cơ quan điều tra không thu được mà do Nén, Lâm và Vân khai. Trong lúc đó bà Mỹ lại không biết chữ. Quá trình xác minh thì phát hiện chị Trần Thị Kim Yến viết hộ: “1h đêm nay, anh đến vườn đào ông Hai Hoàng, em cần gặp có chuyện gấp”. Nhưng chị Yến cũng khai không thống nhất về nội dung bức thư. Một câu hỏi đặt ra là: 1h đêm nay là đêm nào? Trong lúc đó Sáng không cầm lá thư thì làm sao biết đêm nay...

Thực tế, Sáng khai không có quan hệ tình cảm với bà Mỹ, còn Nhung khai quan hệ tình cảm giữa Mỹ và Sáng như thế nào thì Nhung không biết. Về bức thư, Sáng và Nhung cũng khai không thống nhất và cuối cùng cho rằng do Nén khai. Chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa vào lời khai của Nén, Lâm và Vân. Tuy nhiên lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với bản thân và mâu thuẫn với các bị cáo khác. Ví dụ: Có lúc Nén khai buổi sáng đến nhà Nhung và nghe chị Nhung đọc to nội dung bức thư cho mọi người nghe nhưng có lúc lại khai có buổi tối đến nhà Nhung thấy Nhung đọc bức thư cho mọi người nghe...

Về tang vật gồm dao phay, dao Thái Lan, kéo, gậy thì không thu được. Dao phay mà Nén khai không phù hợp với hình dao phay đã thu. Mặt khác, dao có cán gỗ và mảnh giấy xi măng khi chôn nhưng biên bản không thể hiện. Đồng thời khi thu giữ miếng sắt cũng không có chữ ký của Nén. Khi khám nghiệm hiện trường mở rộng, biên bản ghi không phát hiện dấu vết gì nhưng tại biên bản thu giữ tang vật (sau khi Mỹ chết 1 ngày). Tại vườn điều, cơ quan điều tra phát hiện 1 con dao, cách vị trí bà Mỹ bị giết 6m. Vết thương trên mặt bà Mỹ lại có hình cong phù hợp với con dao tại hiện trường.

Biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy, thái dương phải có vết thương hướng cung quay xuống và tóc bị đứt theo hình cung này. Như vậy, tóc bà Mỹ bị đứt là do chém chứ không phải do Nhung cắt như Nén, Vân và Lâm đã khai.

Mặt khác, vết thương trên đầu bà Mỹ là hình cung, không phù hợp với dao phay Nén đã khai mà phù hợp với con dao quắm thu tại hiện trường sau một ngày.

Bà Nguyễn Thị Lâm bị khởi tố ngày 2/12/1998 nhưng trước đó ngày 6/1/1998, biên bản lấy lời khai đã ghi bà Lâm là bị can; Lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhưng không tổ chức đối chất; Việc quản lý vật chứng không chặt chẽ để mất mát như tóc, chiếc bông tai…Việc phát hiện con dao quắm tại hiện trường (sau một ngày) phù hợp với vết thương nhưng cơ quan điều tra không thu giữ và làm rõ con dao này.

(Còn nữa)