Làm căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú được không?

Admin
Hiện nay, tùy từng địa phương mà người dân có thể xin cấp thẻ căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú hoặc cần chờ đợi thêm.

Làm căn cước công dân gắn chip bắt buộc phải về nơi thường trú?

"Có được làm thẻ căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú không ?" là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân.

Theo quy định tại Điều 26 luật Căn cước công dân, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi dưới đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

Thứ nhất, tại cơ quan quản lý căn cước công dân của bộ Công an.

Thứ hai, tại cơ quan quản lý căn cước công dân của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, tại cơ quan quản lý căn cước công dân của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Thứ tư, cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA lại quy định rằng: Khi Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như sau:

Cơ quan quản lý căn cước công dân công an cấp huyện tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.

Cơ quan quản lý căn cước công dân công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Đồng thời, tiến hành cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Cơ quan quản lý căn cước công dân bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt.

Theo quy định này, trường hợp cấp căn cước công dân lần đầu, cấp đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân thì người dân phải về địa phương đăng ký thường trú để làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Hiện nay, tùy từng địa phương mà người dân có thể xin cấp thẻ căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú hoặc cần chờ đợi thêm. Công dân nên chủ động liên hệ cơ quan công an cấp quận để được giải đáp.

Theo công văn 5764/UBND-NC của UBND TP. Hà Nội, công dân có thể đến trụ sở cơ quan công an nơi đang cư trú (tạm trú hoặc thường trú) để thực hiện cấp căn cước công dân mà không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú.

Tuy nhiên, người dân phải đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn về nơi làm thủ tục căn cước công dân (tại nơi công tác hoặc tại nơi cư trú) để cơ quan công an bố trí lực lượng và sắp xếp thời gian.

Đặc biệt, công dân đang tạm trú trên địa bàn Hà Nội muốn cấp căn cước công dân gắn chip tại Hà Nội bắt buộc phải kê khai phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) tại nơi đang tạm trú trước khi làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Còn tại TP. HCM, công an thành phố sẽ ưu tiên thực hiện cho người dân thường trú trước, sau đó sẽ cấp đổi cho nhân khẩu tạm trú khi có dữ liệu liên thông toàn quốc đối với nhân khẩu tạm trú.

Giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân có gắn chip

Mới đây, bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC hướng dẫn mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch bệnh Covid-19. Trong đó, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC.

Mức giảm này thực hiện từ 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. Từ ngày 1/7/2021 trở đi, mức lệ phí cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân được thu theo mức thông thường quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC.

Cụ thể, khi công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân: mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân giảm xuống còn 15.000 đồng/thẻ căn cước công dân.

Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: Mức lệ phí từ 50.000 đồng/thẻ căn cước công dân giảm còn 25.000 đồng/thẻ căn cước công dân.

Trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật quốc tịch Việt Nam: Mức lệ phí 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân giảm còn 35.000 đồng/thẻ.

Theo bộ Công an, dự kiến từ nay đến 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Bộ Công an khuyến nghị các trường hợp là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn thì nên thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng căn cước công dân gắn chip.

Cũng theo bộ Công an, so với thẻ căn cước công dân mã vạch hiện nay, thẻ căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật, dung lượng lưu trữ cao hơn. Thẻ căn cước công dân mẫu mới sẽ tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, khóa bảo mật …