"Cơm đùm gạo bới" "đóng đô"" quán Internet
Ngày 4/8, tin từ Công an phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, đơn vị đang lập hồ sơ xử lý 1 cơ sở kinh doanh Internet vi phạm quy định về cách ly xã hội.
Trước đó 1 ngày, tổ công tác C1-911 Công an TP. Đà Nẵng phát hiện cơ sở Internet Cyber Gaming, đường Ngô Văn Sở, phường Hòa Khánh Bắc có nhiều nghi vấn. Thời điểm này, cơ sở treo biển dừng hoạt động nhưng cửa cuốn được kéo lên vừa 1 người chui lọt.
Hàng chục thanh niên "đóng đô" trong quán Internet. Có kẻ còn "cơm đùm gạo bới" cày game nhiều ngày.
Nghi vấn cơ sở này lén lút hoạt động, tiếp nhận khách bất chấp lệnh cấm, cơ quan chức năng đã tiếp cận. Tuy nhiên, nếu tiến hành gọi cửa thì nhiều khả năng chủ cơ sở này sẽ phi tang chứng cứ.Ngay lập tức, Đại uý Đỗ Châu Phước, cán bộ phòng Cảnh sát ma tuý, Công an TP. Đà Nẵng - thành viên tổ C1-911 nhanh chóng lăn người qua khe hẹp cửa cuốn đột kích vào trong. Thấy bóng dáng cảnh sát, nhân viên quản lý cơ sở và nhiều khách chơi hốt hoảng bỏ chạy. Tuy nhiên, tất cả đã bị khống chế và yêu cầu hợp tác kiểm tra hành chính.
Lực lượng công an khu vực cũng nhanh chóng có mặt thực hiện công tác kiểm tra. Tại 3 phòng của cơ sở Internet nay, cảnh sát phát hiện 11 nam thanh niên đang miệt mài cày game. Các thanh niên này chủ yếu là học sinh - sinh viên trên địa bàn, khai nhận do dịch covid-19 được nghỉ nên tập trung tại quán chơi game. Một số đối tượng còn mang theo ba lô đựng quần áo, thức ăn với ý định "đóng đô" dài ngày ở đây.
Làm việc với cơ quan chức năng, Tôn Thất Hòa, SN 1995, trú 29 Phú Lộc 19, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, chủ cơ sở và Lê Việt Hùng, SN 1994, trú 73 Trần Ngọc Sương, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, quản lý thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Sau khi lập biên bản, tổ công tác đã bàn giao vụ việc cho cảnh sát khu vực xử lý theo thẩm quyền.
Việc hàng chục thanh niên tụ tập thâu đêm suốt sáng trong tiệm game giữa "mùa covid" này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác thực hiện lệnh cách ly xã hội ở TP.Đà Nẵng. Bởi lẽ trước đó, cơ quan chức năng cũng đã xử lý hàng loạt vụ việc.
Ngày 3/8, UBND quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng lập hồ sơ xử lý 4 thanh niên tụ tập ăn nhậu ở đường Mẹ Nhu, phường Thanh Khê Tây. Chúng là: Đặng Bá Thạch, Đặng Bá Thịnh, Đặng Bá Tùng, Đặng Bá Thi (cùng trú địa phương).
Chốt cửa cài then, "chén chú chén anh" giữa lúc thành phố đang căng mình chống đại dịch.
Ngày 31/7, Công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng phát hiện 7 thanh niên trên địa bàn tụ tập ăn nhậu, hát hò.
Trước đó, ngày 30/7, đội Quản lý thị trường số 3, cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng phối hợp tiến hành kiểm tra đột xuất tại cửa hàng MICHI SUSHI & MÌ CAY (32 Thái Phiên, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) phát hiện cửa tiệm này lén lút bán hàng cho người dân.
Quan trọng vẫn là ý thức
Những sự việc trên khiến người dân TP.Đà Nẵng bức xúc. Theo dòng dư luận, đó chẳng khác nào mặt tối của bức tranh tươi sáng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của địa phương. Trong khi nhà nhà, người người nỗ lực đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Trong khi các y, bác sĩ căng mình nơi "đầu sóng ngọn gió", khi lực lượng công an, quân đội đêm ngày canh giữ khu vực cách ly... thì bộ phận nhỏ lại bất chấp tụ tập, ăn nhậu.
Số liệu PV Người Đưa Tin Pháp Luật có được từ UBND TP.Đà Nẵng cho thấy, việc vi phạm quy định về phòng chống dịch covid-19 thực sự là một hồi chuông báo động chứ không đơn thuần chỉ là sự vi phạm tự phát. Theo đó, từ khi dịch bùng phát đến nay, tức chỉ khoảng 8 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 3.985 vụ/8.528 người vi phạm các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch. Trong đó, xử lý hình sự 2 vụ/9 người; phạt tiền 631 vụ/859 người với số tiền 634 triệu đồng; nhắc nhở 3.410 vụ/7.965 người.Theo cơ quan chức năng, khi bước vào công tác phòng chống dịch, việc tuyên truyền được đưa lên hàng đầu. Cảnh sát khu vực, cán bộ các tổ dân phố in phát miễn phí các nội dung thông báo của UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chức năng khác đến tận tay từ nhà, từ cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, vì ngông cuồng, vì xem thường,... mà nhiều người vẫn cố tình vi phạm.Không chỉ vậy, khi lập biên bản hành vi tụ tập ăn nhậu, hát hò, lực lượng cảnh sát còn bị các đối tượng xúc phạm chửi bới, ngạo mạn cản trở. Nhiều cơ sở kinh doanh tuy treo biển ngừng kinh doanh nhưng vẫn để "khe cửa hẹp" cho khách hàng vào. Khi bị phát hiện, họ đều thừa nhận cố tình vi phạm vì lợi nhuận.
Nhiều địa điểm ở TP.Đà Nẵng đã bị phong tỏa. Cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, đồng thời sẽ có những chế tài xử phạt người vi phạm.
Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Cao Tâm, Phó trưởng Công an quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho biết, 100% quân số của đơn vị đã được huy động phục vụ công tác phòng chống dịch. Song song với công tác bảo vệ các địa điểm, công an quận đã tăng cường lực lượng xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch, ổn định tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống phức tạp. Đơn vị này cùng công an các phường đến các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, vận động, yêu cầu các cơ sở tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP.Đà Nẵng...
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng thông tin, diễn biến dịch bệnh lần này hết sức phức tạp, vai trò của lực lượng công an trong phòng, chống dịch là đặc biệt quan trọng, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sỹ không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm lệnh giãn cách xã hội, các đơn vị nghiệp vụ cũng sẽ tập trung xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang.
Một luật gia ở TP.Đà Nẵng nhìn nhận, trong công tác phòng chống dịch ở địa phương, từ người dân đến lực lượng chức năng đều nỗ lực hết sức, vì lợi ích chung. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ vi phạm quy định.
"Dịch dã đến nay đã hơn 8 tháng nên không thể nói không biết quy định. Công an, quy tắc đô thị, cán bộ dân phố, quản lý thị trường tuyên truyền ra rả cả ngày. Khắp các ngã ba, ngã tư đều có loa phát thanh, băng rôn... Chính quyền đã tuyên truyền rất tốt rồi nên không có chuyện không biết, không nghe, không hiểu. Vi phạm ở đây là do ý thức cá nhân. Do đó, mỗi cá nhân cần ý thức được vị trí của mình trong xã hội, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Đơn giản như ở nhà, chấp hành chủ trương, tự khai báo y tế ... cũng là góp phần phòng, chống dịch", vị này nói.