Hàng xách tay yên tâm chất lượng?
Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng” trên thanh công cụ tìm kiếm của google, cho ra hơn 124.000 kết quả chỉ trong vòng 0.51 giây.
Tiếp đó, tìm kiếm thêm về các dòng thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, PV Người Đưa Tin dễ dàng nhận thấy có rất nhiều các hội nhóm có đông người tham gia như: Hội Review thực phẩm chức năng; Thực phẩm chức năng – mỹ phẩm xách tay Mỹ Hàn Úc Nhật; Thực phẩm chức năng…
Các nhóm này rất đa dạng người mua và người bán với các nhu cầu tìm hiểu về thực phẩm trắng da, đẹp da, tăng cân, tăng chiều cao, thực phẩm giúp bổ xương khớp…
Trong vai một người cần mua viên uống bổ sung Collagen plus với giá tốt, PV được T.T có số điện thoại 03986xxx chuyên đăng bài bán thực phẩm chức năng dưỡng da, trẻ hóa da cho biết hàng đảm bảo, xách tay có giấy tờ đầy đủ. “Có người nhà của mình ở bên đó, nên hàng đảm bảo chứ không phải hàng trôi nổi, vì thế bạn yên tâm”, T. nói.
Thắc mắc thêm về công dụng thực sự của thực phẩm chức năng viên uống bổ sung Collagen, người này cho biết bán nhiều loại nên không thể nhớ hết. Nhưng, người bán khẳng định rằng đã dùng và chỉ cần kiên trì dùng 2-3 hộp là có cải thiện.
Ngỏ ý muốn mua hàng với giá tốt, người này cho biết giá bán lẻ là 550.000 đồng/1 hộp, còn mua từ 3 hộp trở lên có giá 470.000 đồng/hộp.
Trước những lời khẳng định chắc nịch về chất lượng, PV cũng rất băn khoăn về việc làm sao để kiểm chứng là hàng tốt, hàng chuẩn khi cả người bán và người mua đều chỉ giao dịch, bán hàng qua mạng?
Bên cạnh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe về đẹp da, các sản phẩm khác như bổ não, giảm tiểu đường, tăng chiều cao cũng được quảng cáo với công dụng cực kỳ tuyệt vời và giá dao động từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng.
Hàng nội quảng cáo “thổi phồng” công dụng
Trong khi đó, các thực phẩm chức năng trong nước hiện rất nhiều và để tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, không ít công ty đơn vị đã dùng mạng xã hội, facebook, fanpage… quảng cáo rầm rộ hình ảnh, công dụng sản phẩm.
Chưa hết, các hình thức quảng cáo, thổi phồng công dụng ngày càng tinh vi hơn thông qua hình thức PR quảng cáo vài chục giây trên sóng truyền hình.
Điển hình mới đây nhất, Công ty TNHH MTV dược phẩm Y tế Quốc tế MEDISTAR (địa chỉ: Thôn Trung Tiến, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) bị xử phạt 90 triệu đồng.
Hành vi vi phạm của doanh nghiệp là tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm viên uống bổ phổi Lung Detox trong khi sản phẩm này thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Hay như một số thực phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường (Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”).
Ngoài ra, Cục An toàn Thực phẩm cũng đã cập nhật thông tin xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đến ngày 12/4/2022, cụ thể:
Công ty cổ phần Thiên Dược Sơn (địa chỉ: số 7 Ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus. Lý do là quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh).
Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc (địa chỉ: 09-LK1, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân, số 90 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) với mức phạt 45 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống tố nữ Mộc Beauty. Lý do là quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Cùng với hình thức phạt tiền, các cơ sở bị xử phạt về quảng cáo phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm; cơ sở vi phạm về tự công bố sản phẩm phải thu hồi sản phẩm và thu hồi Bản tự công bố sản phẩm vi phạm.
Đây không phải lần đầu tiên thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng bị xử phạt, mà trước đó cũng đã có rất nhiều các đơn vị khác bị cơ quan chức năng tuýt còi.
Trong năm 2020 và 2021, cục An toàn thực phẩm đã phạt hành chính khoảng 4 tỉ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
Tuy nhiên, cho đến nay, sự “bát nháo” của thị trường này vẫn còn, được thể hiện bằng nhiều hình thức trong đó có việc mượn danh các thầy thuốc nổi tiếng…