Thông tin nhạc sĩ Lam Phương đã qua đời tại Mỹ sau thời gian tích cực điều trị bệnh tim và tai biến mạch máu não khiến người hâm mộ vô cùng bàng hoàng và thương xót. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18h07 phút ngày 22/12 (giờ Mỹ) tại thành phố Fountain Valley, California. Ông hưởng thọ 83 tuổi.
Nhận tin buồn nhạc sĩ Lam Phương rời cõi tạm, từ bạn bè, đồng nghiệp ở hải ngoại, ca sĩ Quang Hà không khỏi sốc. “Tiếc cho một nhạc sĩ tài danh với quá nhiều bài hát hay đi vào lòng người và giới mộ điệu âm nhạc. Những sáng tác của ông gắn liền với tên tuổi của nhiều thế hệ ca sĩ nổi tiếng”, nam ca sĩ xúc động.
Dù chưa từng được gặp nhạc sĩ Lam Phương ngoài đời, nhưng Quang Hà cảm thấy may mắn khi có cơ hội được thể hiện những tuyệt phẩm của ông như: Một mình, Rong rêu, Phút cuối,… “Nhạc của Lam Phương rất sâu sắc, văn hoa, bay bổng. Giai điệu đẹp, dễ đi vào lòng người nhưng trái ngược hoàn toàn với nhạc trẻ bây giờ. Ca sĩ muốn thể hiện được, phải vừa hát vừa suy ngẫm, cảm được lời nhạc, thì mới ra đúng chất nhạc sâu sắc của Lam Phương”, nam ca sĩ nói.
Mỗi bài hát của nhạc sĩ Lam Phương đều truyền tải những câu chuyện và thông điệp đầy ý nghĩa. Nhưng, một trong những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Lam Phương khiến Quang Hà đau đáu khi thể hiện chính là ca khúc Một mình. Nam ca sĩ chia sẻ: “Một mình là bài hát mà nhạc sĩ Lam Phương viết cho riêng ông. Bài hát như định mệnh gắn với cuộc đời ông cho đến giây phút cuối đời. Thời trai trẻ, ông có nhiều bóng hồng vây quanh nhưng lại cô đơn đến giây phút cuối đời. Những câu hát: "Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình..." lúc vang lên khiến người nghe lắng lại. Nhưng, chính ông cũng không nghĩ rằng bài hát Một mình đã trở thành lời tiên tri cho chính bản thân”.
Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương để lại khoảng trống rất lớn với nền nghệ thuật nước nhà. Nhiều nghệ sĩ trong làng giải trí Việt cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với cố nghệ sĩ tài hoa. Chia sẻ trên trang cá nhân, danh hài Việt Hương nức nở: "Không dám đăng những gì không vui, nhưng đây là nhạc sĩ mà Hương trân quý. Xin được phép chia sẽ nỗi đau này với gia đình và khán giả mộ điệu tác phẩm của chú nhạc sĩ Lam Phương".
Dương Triệu Vũ cũng là nam ca sĩ từng thể hiện khá nhiều các sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương. Nhận tin bậc tiền bối qua đời, nam ca sĩ đã thể hiện lòng thành kính và tự hào vì những đóng góp của nhạc sĩ với nhạc Việt.
“Xin vĩnh biệt chú một tượng đài âm nhạc Việt Nam.... Con rất vinh dự đã được hát nhiều nhạc phẩm của chú. Những bản tình ca đa màu sắc nhưng lại mang một tổng thể chung là tâm hồn của nhạc sĩ Lam Phương. Mong chú được yên nghĩ trong tình yêu thương của bao nhiêu thế hệ người yêu âm nhạc”, nam ca sĩ xót xa bày tỏ.
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ngày 20/3/1937 ở Kiên Giang, là con đầu trong gia đình 5 người con. 10 tuổi, ông lên Sài Gòn học nhạc, may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương chỉ dẫn. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng".
Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết khi mới 15 tuổi. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc cho đến khi nổi tiếng với Kiếp nghèo.
1959 ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng, chuyên viết nhạc cho các vở kịch do vợ đóng vai chính và tỏa sáng từ đó. Năm 1975, ông theo gia đình sang Mỹ định cư. Để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện... Thế nhưng, cuộc hôn nhân tưởng như tuyệt vời ấy vẫn không thể trọn vẹn khi họ bất ngờ chia tay.
Từ 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Năm 2016, ông có liveshow tại Singapore. Đúng là số phận luôn thử thách người nhạc sĩ đa sầu, đa cảm. Đến năm 1999, sau vài năm rời Pháp và trở về Mỹ sinh sống, nhạc sĩ bị tai biến và liệt nửa người. Lúc này, cô Bảy - em gái Út của nhạc sĩ - đã bay từ Pháp qua Mỹ để chăm sóc cho ông.
Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam. Âm nhạc của ông có sức ảnh hưởng rất lớn và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Kho tàng âm nhạc của Lam Phương có vô số những tác phẩm nổi tiếng như: Thành phố buồn, Duyên kiếp, Tình bơ vơ, Khúc ca ngày mùa, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương,… Dòng nhạc Lam Phương có sức lan toả rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ.
Đặc biệt, người ta còn gọi Lam Phương là nhạc sĩ của những ca khúc thất tình. Bởi, trong kho gia tài hơn 200 bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, phần lớn là những sáng tác buồn, là nỗi trăn trở về tình duyên dở dang, là sự mong ngóng về những ngày tháng yêu thương đã xa vời vợi. Hình bóng giai nhân trải dài trong các sáng tác của Lam Phương. Mỗi người đến rồi đi để lại trong ông những khoảng trống không thể lấp đầy. Cho đến giây phút cuối đời, Lam Phương vẫn một mình. Dang dở, sầu muộn đã qua giờ còn là hoài niệm, chỉ còn lại những tuyệt phẩm bất hủ cho đời.