Hai cấp tòa tuyên “không phạm tội”
Ngày 21/12, nguồn tin của PV VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đầm Dơi và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau tuyên Trương Ly Mít, SN 1986, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi không phạm tội Trộm cắp tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, vào 18h ngày 14/8/2010, Phan Văn Đấu ở ấp Hòa Lập, xã Tân Thuận đi đò đến nhà của Trương Ly Mít ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. Tại đây, Mít tổ chức uống rượu cùng với Đấu, trong lúc này Mít rủ Đấu đi cắt trộm dây cáp điện thoại bán kiếm tiền tiêu xài và Đấu đồng ý.
Đến 21h, Trương Văn Út (em ruột của Mít, em rể của Đấu) đi đến nhà Mít chơi. Mít và Đấu nói với Út đi cắt trộm dây cáp điện thoại và Út đồng ý. Khi đi, Mít mang theo 1 kiềm cộng lực, 2 đoạn sắt phi 14, 1 cây chìa khóa để trong vỏ máy của Mít.
Sau đó, Mít điều khiển phương tiện vỏ máy đến ấp Chánh Tài, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.
Mít và Đấu lên bờ đi đến cây cột điện, Út ngồi giữ máy. Mít dùng đoạn sắt phi 14 trực tiếp leo lên cột điện thứ nhất dùng kềm cộng lực cắt dây cáp lúc này có ánh đèn pin rọi Mít và Đấu sợ bị lộ nên quay lại chỗ Út thì Đấu gặp Chín và Sang (nhóm trộm khác). Sang hỏi: “Mày hả Đấu?”, Đấu nói: “Vậy là bồ rồi”.
Lúc này, Mít và Đấu tiếp tục trở lại điểm cắt dây cáp trèo lên trụ điện thứ hai dùng kềm cộng lực cắt dây cáp. Khi Mít cắt xong thì Đấu, Mít và Út kéo dây cáp xuống vỏ máy, Mít điều khiển phương tiện về nhà của Mít và dùng dao chặt thành nhiều đoạn rút lấy đồng.
Mít dùng phương tiện chở đồng đến chợ Tắc Vân bán và chia cho Phan Văn Đấu 1,2 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Mít và Út bỏ trốn khỏi địa phương.
Biên bản giám định tài sản số 33 ngày 10/12/2010 của Hội đồng định giá tài sản huyện Đầm Dơi kết luận: 270m dây điện thoại, loại cáp 100 x 2 giá 74.030 đồng = 19.988.100 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2019/HS-ST ngày 12/9/2019 của TAND huyện Đầm Dơi áp dụng các Điều 13, 15, 85, 260, 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuyên Trương Ly Mít không phạm tội Trộm cắp tài sản.
Sau đó, VKSND huyện Đầm Dơi đã kháng nghị bản án sơ thẩm với nội dung đề nghị xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng có tội.
VKSND huyện Đầm Dơi nêu lý do rằng, hồ sơ đã chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo như: Lời khai của Mít, Đấu và Út ngày 10/8/2010; anh Lê Quốc Thắng, Trạm trưởng trạm viễn thông xác định đêm 14/8/2010 đến sáng 15/8/2010 những hộ sử dụng điện thoại cố định ở tuyến ấp Chánh Tài bị mất liên lạc.
Bản án hình sự phúc thẩm số 09/2020/HSPT ngày 5/2/2020 của TAND tỉnh Cà Mau căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 355, 356 của Bộ luật Tố tụng Hình sự tuyên “không chấp nhận” kháng nghị của VKSND huyện Đầm Dơi; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đầm Dơi.
Sau khi được tuyên vô tội, anh Mít làm đơn đề nghị Viện trưởng VKSND huyện Đầm Dơi tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan sai hơn 2,8 tỷ đồng (bao gồm thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất; thiệt hại về tinh thần và các chi phí khác) theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Không đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ
Cũng trong thời gian này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đầm Dơi và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau; Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để xét xử lại.
Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, từ các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đủ cơ sở để xác định được thời gian và địa điểm phạm tội của vụ án là đêm 14 và sáng 15/8/2010.
Bởi, lời khai của Trương Văn Quân không xác định được thời gian phạm tội mà chỉ khai trong tháng 8/2010 thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Bên cạnh đó, lời khai của anh Lê Quốc Thắng xác định ngày mất trộm là ngày 14/10/2010. Cơ quan CSĐT dựa vào lời khai của Lê Quốc Thắng và những người dân sử dụng điện thoại để xác định đêm mất trộm là ngày 14/8/2010.
Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm, xác định thời gian thực hiện hành vi phạm tội là ngày 14/8/2010, nhưng các bị cáo trong vụ án cũng không có ý kiến phản đối hay kháng cáo với việc xác định thời gian nêu trên.
Cũng theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, lời khai của Trương Văn Quân thừa nhận khi đi trộm cùng đồng bọn trong tháng 8/2010 thấy Mít, Đấu, Út.
Lời khai của Đấu vào ngày 7/9/2010, 10/9/2010, 15/9/2010 và 22/9/2010 tại cơ quan CSĐT Công an huyện Đầm Dơi thể hiện Đấu có cùng với Mít và Út thực hiện việc cắt trộm dây cáp điện thoại. Lời khai của Đấu tại cơ quan CSĐT phù hợp với lời khai của Quân và Chính.
Mặc khác, việc Đấu, Quân, Chính thay đổi lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử Mít cho rằng Đấu, Quân không biết Mít, Út; trong quá trình điều tra bị cán bộ nhục hình, ép cung, buộc ký tên vào các biên bản hỏi cung do cán bộ tự ghi, không phải tự khai là không có cơ sở vì Mít, Út là anh em, Út là em rể Đấu.
Như vậy, giữa các bị cáo có mối quan hệ thông gia quen biết nhau, các lời khai của Đấu tại cơ quan CSĐT được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi xem lại hay nghe đọc biên bản hỏi cung thì Đấu có ký xác nhận vào biên bản hỏi cung là đúng lời khai của Đấu trình bày và không có khiếu nại hay ý kiến gì. Từ đó cho thấy không có căn cứ chấp nhận việc thay đổi lời khai ban đầu của Đấu.
“Việc bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đầm Dơi và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau đều tuyên bị cáo Trương Ly Mít không phạm tội là không đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ”, bản kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM nêu rõ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trương Ly Mít mong muốn vụ việc nhanh chóng sớm kết thúc để gia đình có thể tập trung vào công việc làm ăn. Do vụ việc chưa đi đến hồi kết nên trong thời gian qua, gia đình anh phải sống khép kín. Vợ anh mặc cảm không tiếp xúc với người ngoài, việc học hành của các con anh cũng bị ảnh hưởng.