Lưu lượng xe tắc nhẹ?
Mới đây, công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, đơn vị đang kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung Nghị quyết 437 để mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường này theo hình thức BOT nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 20/1, vào cuối giờ chiều, lưu lượng chạy qua BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với số lượng vừa phải, xe con đến xe tải dường như chỉ chạy chậm khi vào BOT sau đó vẫn tốc độ cao nối đuôi nhau.
Theo ông Tuấn - tài xế xe ôm chuyên bắt khách gần trạm BOT cho hay, vào những ngày bình thường làn đường rất thông thoáng, chỉ thời điểm cuối tuần ở những giờ cao điểm thì mới tắc một chút. Tắc nhiều nhất có lẽ là vào các ngày lễ, lượng xe đi lại quá đông nên việc ách tắc kéo dài.
"Hiện tại, trạm BOT sử dụng thu phí không dừng nên xe đi qua không phải thủ tục rườm rà, vì vậy, tôi quan sát hằng ngày thì tình trạng tắc không đáng kể", ông Tuấn cho hay.
Tính toán thật kỹ
Đánh giá về đề xuất này, TS. Đinh Thị Thanh Bình - Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (trường đại học Giao thông vận tải) cho biết, để tính toán mở rộng lên 8 làn hay 10 làn cho hợp lý thì phải cân nhắc.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng nếu ý kiến, việc mở rộng thêm làn xe không phải giải pháp có thể mang lại hiệu quả tối ưu mà cần đẩy mạnh việc phát triển thu phí không dừng mới có thể giảm được ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội.
“Hiện nay, việc thu phí không dừng còn nhiều hạn chế, triển khai thu phí không dừng chưa thực sự nghiêm túc. Như vậy, không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, không đủ nhu cầu cung cầu, các BOT truyền thống sẽ gây cản trở, mất thời gian, kéo dài thời gian, gây nên ùn tắc cục bộ. Đặc biệt là vào những ngày lễ Tết và giờ cao điểm”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cho biết thêm, đây cũng là chủ trưởng chung của thành phố, đòi hỏi giao thông phải được quy hoạch một cách khoa học. Cửa ngõ thành phố nên được mở rộng.
Mở làn sẽ áp lực quy hoạch đô thị
Chuyên gia Phan Lê Bình - Giảng viên chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng – đại học Việt Nhật cho biết, với lưu lượng xe tăng cao tại BOT Pháp Vân – Cầu giẽ là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội thì việc giải quyết ùn tắc là hợp lý.
“Tuy nhiên, cần phải tính toán thật kỹ việc mở thêm làn xe, vì nếu mở rộng thì đến điểm thoát từ trạm BOT vào trung tâm TP.Hà Nội vẫn xảy ra tắc nghẽn vì đoạn giao cắt dùng đèn tín hiệu. Như vậy việc mở thêm làn xe sẽ không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc”, ông Bình cho hay.
Đồng quan điểm, theo KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm, đây là tuyến đường được quan tâm. Hiện nay mặc dù mãn tải nhưng chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng vì nếu mở rộng đường phải giải phóng mặt bằng, giải phóng dân cư sống gần đó. Như vậy áp lực sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư.
“Đây mới là chủ trương, nhìn chủ trương thì chúng ta có thể đồng tình, nhưng chưa có bản quy hoạch, thiết kế rõ ràng thì còn nhiều băn khoăn về tính khả thi”, ông Nghiêm nói.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cũng đánh giá, phương án mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô ngày càng tăng cao. Việc mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe thậm chí 20 làn thì các phương tiện tập trung về nút giao Pháp Vân - Vành đai 3, càng gây áp lực cho giao thông Hà Nội. Nhìn tổng thể, nó không phù hợp với sự phát triển của một siêu đô thị có hơn 10 triệu dân.
Hướng về giải pháp, ông Liên cho hay, Nhà nước cần có đánh giá tổng thể, tập trung nguồn lực vào phát triển đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1 để giảm tải phương tiện từ xa, giảm áp lực ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
"Cao tốc Pháp Vân hiện nay chỉ một vụ tai nạn xảy ra đã gây ùn tắc kéo dài cục bộ, do vậy không nên dồn tất cả phương tiện vào một tuyến đường mà phải có thêm lựa chọn khác thuận tiện hơn", ông Liên nói.
Trước đó, theo ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo thiết kế và phương án tài chính cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) vào năm 2031, song những năm gần đây lưu lượng xe tăng nhanh nên sẽ sớm quá tải.
"Việc mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 6 làn hiện nay lên 8-10 làn xe là cấp thiết và có thuận lợi là doanh thu khả thi về phương án tài chính. Nếu được đầu tư mở rộng và hoàn thành vào năm 2025, sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc trong những năm tới", ông Khôi cho hay.
Tuy nhiên, ông Khôi cho biết, theo quy định hiện hành, việc bổ sung hạng mục này vào dự án lại chưa phù hợp với Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam thành phố Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Dự án đã được đầu tư theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có 4 làn xe, hoàn thành năm 2012; giai đoạn 2 lên 6 làn xe hoàn thành năm 2019. Dù có 6 làn xe, song tuyến cao tốc này vẫn thường bị ùn tắc giao thông vào những ngày cao điểm và cuối tuần.
Dự báo lưu lượng trên cao tốc Pháp Vân vào năm 2022 là 92.000 PCU (xe con quy đổi) mỗi ngày, song năm 2019 trung bình mỗi ngày đã đạt 84.240 PCU, vào ngày lễ Tết đã đạt 144.265 PCU. Dự kiến năm 2021, lưu lượng xe sẽ đạt bình quân 101.088 PCU mỗi ngày, vượt so thiết kế 9,6%.
Trường hợp được cấp thẩm quyền chấp thuận, phía công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện trong khoảng 3 - 5 năm sẽ hoàn thành việc mở rộng tuyến đường lên 8 - 10 làn xe.
“Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho việc mở rộng khoảng 5.000 tỷ đồng, đã gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng” - ông Khôi cho hay.