Người dân khốn khổ do trâu bò chết rét trước Tết Nguyên đán

Admin
Rét đậm kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều trâu, bò, lợn, dê tại các huyện vùng cao Nghệ An bị chết rét.

Số lượng gia súc, gia cầm chết vẫn tăng lên

Mấy ngày nay, ông Vi Đình Quý (SN 1956), trú bản Nưa, xã Yên Khê, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang tất bật lo mua thêm rơm, dùng vải che chắn chuồng sau khi 4 con lợn vừa lăn ra chết trong đợt rét vừa qua.

“Nhà tôi nuôi 4 con lợn, 5 con trâu. Trước đó, tôi đã đầu tư tiền làm thêm chuồng trại và thực hiện các biện pháp chống rét nhưng mấy con lợn cứ chết dần dần. Giờ còn mấy con trâu nên tôi phải giữ gìn cẩn thận, nếu không năm nay nhà tôi mất hết Tết”, ông Quý nói.

Dân sinh - Người dân khốn khổ do trâu bò chết rét trước Tết Nguyên đán (Hình 2).

Ông Quý chăm con trâu sau khi xuất hiện tình trạng lợn chết.

Nuôi gia cầm hàng chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên gia đình ông Quý lại có số lượng gia súc chết do lạnh nhiều như vậy. Vào ngày 1/1, con lợn đầu tiên nặng gần 1 tạ của gia đình bỗng chết. Ông Quý hốt hoảng ra kiểm tra, tiến hành báo cho UBND xã và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa. Thế nhưng, vào ngày 3/1, tiếp tục có thêm 2 con lợn nữa chết. Rồi sau đó ngày 6/1, con lợn cuối cùng của gia đình cũng chết.

“Chuồng lợn này tôi làm hàng chục năm rồi, có năm nào bị chết đâu. Mấy con này tôi cũng đã tiêm phòng dịch đầy đủ rồi. Nhưng do thời tiết rét quá nên chúng không chịu được. Ước tính gia đình thiệt hại hơn 30 triệu đồng”, ông Quý rầu rĩ.

Bình thường, mấy con trâu của gia đình thường để ở bìa rừng, thời điểm xảy ra sự việc thì ông đã nói vợ lập tức lùa về nhốt vào chuồng tiến hành đốt lửa sưởi ấm, để tránh việc đàn trâu bị chết vì lạnh.

Dân sinh - Người dân khốn khổ do trâu bò chết rét trước Tết Nguyên đán (Hình 3).

Một con bê ở huyện Con Cuông chết do lạnh.

Không may mắn được như vậy, gia đình ông Lương Văn Hậu cũng ở bản Nửa vừa mới bị chết 1 con trâu 13 tháng tuổi. Nguyên nhân được xác định do rét đậm, rét hại. “Đây là con trâu duy nhất của gia đình. Thế mà mấy ngày trước nó chẳng may chết rét mất rồi”, ông Hậu nói.

Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Khê, huyện Con Cuông cho biết, địa phương có gần 4.000 con trâu, 30.000 con lợn… Thế nhưng trong đợt rét lạnh vừa qua địa phương đã có nhiều gia súc bị chết. Qua thống kê cho đến ngày 14/1, thì nơi đây đã chết 7 con lợn, 2 con trâu và 3 con dê.

“Những ngày qua, trên địa bàn nhiệt độ xuống thấp, gây ra rét đậm, rét hại. Trước tình hình đó, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc. Mặc dù vậy, vẫn có tình trạng gia súc, gia cầm chết do rét”, ông Bình nói.

Dân sinh - Người dân khốn khổ do trâu bò chết rét trước Tết Nguyên đán (Hình 4).

Cán bộ phòng NN&PTNT huyện xuống cơ sở kiểm tra.

Nguyên nhân chính do thả rông

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết, thống kê đến ngày 13/1, trên địa bàn đã có 31 con trâu, bò, bê, nghé, lợn dê ở các xã Môn Sơn, Yên Khê, Lạng Khê bị chết rét. Trong đó có 15 con trâu, 4 con bò, 9 con lợn, 3 con dê. Ước thiệt hại 162 triệu đồng.

“Phần lớn số gia súc bị chết đều thuộc ở các vùng khó khăn. Ở đây người dân có tập tục thả rông trong rừng, không có biện pháp che chắn, sưởi ấm cẩn thận nên dẫn đến việc chúng bị chết rét”, ông Lý nói.

Trong đợt rét này, nhiệt độ ở Con Cuông có lúc giảm sâu dưới 10 độ C, huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đồng thời, phòng NN&PTNT cũng đã khuyến cáo nông dân không thả rông gia súc trên rừng, thay đổi tập quán chăn thả bằng chăn nuôi chuồng trại để chống đói, rét cho vật nuôi; xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để tránh tình trạng vật nuôi bị đói giảm sức chống chịu.

Dân sinh - Người dân khốn khổ do trâu bò chết rét trước Tết Nguyên đán (Hình 5).

Người dân che chắn, thêm rơm cho gia súc.

Còn trên địa bàn huyện Quế Phong, tình trạng trâu, bò chết rét cũng đã xảy ra. Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến ngày 13/1 đã có hơn 100 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét. Điều đáng nói, số trâu, bò chết rét chủ yếu là thả rông trong rừng, người dân không có giải pháp chống rét.

Còn ở địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, do đợt rét đậm rét hại quá mạnh, nhiệt độ giảm quá sâu nên đã khiến 12 con trâu, 16 con bò, 2 con bê, 5 con lợn bị chết.

“UBND huyện đã ban hành các công điện khẩn về tình trạng rét lạnh. Mặc dù ý thức của người dân đã được nâng cao, ít trường hợp thả rông trâu bò nhưng do nhiệt độ quá lạnh, từ 2 – 5 độ C, thậm chí nhiều nơi còn có băng giá nên vẫn có tới 35 gia súc bị chết”, ông Rê nói.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là thông tin ban đầu từ 5/20 xã báo cáo. Để có thông tin chính xác, hiện nay UBND các huyện Kỳ Sơn thành lập đoàn, xuống cơ sở xác minh; đồng thời vận động, hướng dẫn bà con đưa gia súc về chuồng để có giải pháp chống đói, rét.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu Lạng Sơn, Yên Bái, Nghệ An, tính đến 17h ngày 13/1, rét đậm, rét hại đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 13 tỷ đồng.

Cụ thể, tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, rét đậm, rét hại đã làm 637 con trâu, 189 con bò, 36 con lợn, 1 con ngựa, 52 con dê; 335 con gia cầm bị chết. Tại khu vực các tỉnh Trung Bộ hiện đang xác minh thiệt hại. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng gia súc thiệt hại do mưa rét tại huyện A Lưới lên tới hơn 900 con.