Mới đây, người đàn ông tên C. trú ở Nghệ An đã trình báo cơ quan chức năng về việc bị chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Theo nội dung đơn tố cáo, người đàn ông này được mời vào làm cộng tác viên cho Shopee và Tiktokshop để làm nhiệm vụ và nhận hoa hồng. Ông C. được đưa vào nhóm chat gồm có một người tên Hương và hai người khác.
Ban đầu, ông C. được hướng dẫn mua đơn 50.000 đồng và 450.000 đồng. Nhiệm vụ của ông C. là lên Shopee thêm mặt hàng được yêu cầu vào giỏ hàng và đợi người hướng dẫn gửi số tài khoản đến rồi chuyển tiền vào đó. Chuyển tiền lần thứ nhất là 500.000 đồng thì khoảng 10 phút sau họ chuyển lại cho ông C. 650.000 đồng.
Sang nhiệm vụ thứ hai, họ nói nhiệm vụ lần này gồm có 2 đơn. Làm xong thì sẽ được nhận cả gốc lẫn hoa hồng, số tiền phải chuyển khoản cho mặt hàng được chỉ định là 1,1 triệu đồng. Sang đơn thứ 2 số tiền phải chuyển khoảng 6 triệu đồng. Thời gian làm nhiệm vụ là 10 phút. Tuy nhiên, trong nhóm có một người làm chậm thời gian nên người hướng dẫn phải nói làm một đơn bù với số tiền gần 26 triệu đồng. Vì số tiền lớn nên ông C. và một người bạn tên Hương xin bảo lưu thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ. Còn một người trong nhóm xin làm trước, kết thúc nhiệm vụ nên chị đó được thanh toán toàn bộ gốc và hoa hồng.
Tiếp đó, ông C. và người bạn tên Hương sau khi xoay số tiền xong thì vào làm nhiệm vụ của đơn hàng gần 26 triệu đồng. Vì xin bảo lưu nên người hướng dẫn nói ông C. và Hương phải làm thêm một nhiệm vụ mới trả gốc lẫn hoa hồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đơn hàng gần 80 triệu đồng đồng, sau 10 phút mà không thấy được thanh toán tiền gốc và hoa hồng.
Ông C. hỏi người hướng dẫn thì được trả lời do chưa trở thành cộng tác viên VIP, phải nâng VIP mới được hoàn trả lại số tiền gần 200 triệu đồng. Sau đó, ông C. và chị Hương nhận được bản cam kết sẽ hoàn trả số tiền trên khi thực hiện xong nhiệm vụ. ‘Với số tiền lớn như vậy họ đồng ý cho tôi và chị Hương 2 tiếng để hoàn thành. Đến khoảng 5h chiều 15/10 thì chị Hương hoàn thành nhiệm vụ trước. Còn tôi chưa xoay được tiền. Sau khi xoay đủ tiền tôi nộp gần 200 triệu đồng nhưng 5 phút sau vẫn chưa thấy họ hoàn lại tiền. Người hướng dẫn cho biết, đơn của tôi bị rò rỉ, cần phải xác minh", ông C. trình bày trong đơn tố cáo.
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với những lời chào làm cộng tác viên trên mạng.
Khoảng 19h30 cùng ngày, ông C. được người hướng dẫn thông báo họ mới xoay được 300 triệu đồng, nhờ ông C. giúp để đẩy nhanh việc cần xác minh đó là lô hàng. Tuy nhiên, ông C. phải chuyển vào tài khoản chỉ định 70 triệu đồng, số còn lại họ sẽ nộp.
Nghe nói vậy, ông C. chuyển số tiền 70 triệu đồng theo tài khoản chỉ định. Đang chờ nhận lại tiền thì toàn bộ tin nhắn trong nhóm bị xoá sạch và ông C. bị đẩy ra khỏi nhóm.
Đến 10h sáng 16/10, ông C. nhận đc câu trả lời từ bên quản lý báo là người kia đã ôm tiền bỏ trốn và hệ thống chưa nhận được số tiền gần 200 triệu đồng của ông.
Bên công ty đồng ý giải ngân cho ông với một điều kiện ông C. phải nạp hơn 383 triệu đồng vào tài khoản. Nếu ông không đồng ý tài khoản của ông sẽ bị đóng băng. Và tổng số tiền ông C. chuyển khoản vào cho họ là hơn 325 triệu đồng. Lúc này số tiền chuyển vào quá lớn, ông C. hoảng loạn nên tiếp tục làm theo lời hướng dẫn của bọn lừa đảo để rút tiền về. Không những rút hết toàn bộ số tiền 1 tỷ đồng tiết kiệm được từ đi nước ngoài về, ông C. còn vay anh em, bạn bè, vay nóng hơn 6 tỷ để gửi cho họ. Tổng số tiền ông C. bị lừa hơn 7 tỷ đồng.
Theo Công an Nghệ An thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tuyển cộng tác viên online các sàn thương mại điện tử lớn không mới. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy.
Để tránh bị lừa, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi đọc các bài đăng tuyển việc làm trên mạng xã hội, cảnh giác trước những lời mời chào tham gia làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn với chiết khấu cao. Không cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc, truy cập vào website lạ, tên miền không rõ ràng. Hầu hết các ứng dụng, website này có giao diện rất xấu và nhiều lỗi chính tả.