Báo Vietnamnet đưa tin, huyện Nông Cống, Thanh Hóa đang thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính đối với một số xã trên địa bàn.
Theo đó, ngày 1/9, UBND huyện Nông Cống đã công bố các quyết định đổi tên, sáp nhập trường học mầm non, tiểu học và THCS. Với bậc mầm non, các bé vẫn đi học tại trường cũ (sáp nhập nhưng phân thành cơ sở 1, 2) nên phụ huynh không thắc mắc. Tương tự, bậc THCS phụ huynh cũng cơ bản đồng thuận. Tuy nhiên ở cấp tiểu học, phụ huynh xã Tế Tân và xã Trung Ý cũ phản ứng dữ dội.
Hàng trăm phụ huynh xã Trung Ý không đưa con em đến trường mới học mà đưa đến trường cũ.
Ảnh: Báo Nông Nghiệp
Ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông cho biết, sau khi sáp nhập (xã Tế Tân sáp nhập với xã Tế Nông thành xã Tế Nông), xã có 6 trường học gồm 2 trường Mầm non, 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS. Địa phương đã tiến hành sáp nhập 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS còn 2 trường mầm non được giữ nguyên làm cơ sở 1 và 2.
Trường Tiểu học Tế Tân cũ có 200 học sinh, trường Tiểu học Tế Nông cũ có 370 học sinh. Sau khi tính toán phương án, địa phương quyết định chuyển học sinh tiểu học từ Tế Tân sang Tế Nông học còn học sinh THCS thì ngược lại. Cự li nơi xa nhất giữa 2 địa điểm cũ và mới là khoảng 4km.
Đặc biệt, trong ngày khai giảng và hai ngày học chính khóa (7-8/9), phụ huynh chỉ chở con đến điểm trường cũ, sau đó lại đưa về nhà mà không cho sang trường mới. Lý do con em phải di chuyển quãng đường xa hơn trước 3-4 km.
Phụ huynh vẫn đưa con em mình tới trường cũ mặc dù không có giáo viên. Ảnh: Nông Nghiệp
Chia sẻ với báo chí, một số phụ huynh cho biết, nếu chuyển sang học tại Tế Nông, con em họ đi học vừa xa vừa phải qua 2 lần đường tàu và đi trên quốc lộ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, phần lớn là ông bà đưa cháu đi học nhưng không đi được xe máy nên rất khó khăn. Nếu bố hoặc mẹ, hầu hết là lao động chính, lại ở nhà đưa con đi học thì ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
Những phụ huynh ở đây mong muốn chính quyền địa phương vẫn để lại cơ sở 1 và cơ sở 2 của trường, để tạo điều kiện cho bà con trong việc đưa đón con em.
Trả lời báo Vnexpress, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống cho biết, chính quyền đang phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cử thầy cô giáo đến từng gia đình học sinh vận động để phụ huynh sớm thay đổi ý định. "Theo quy định, những trường có quy mô dưới 8 lớp tới đây tiếp tục được sáp nhập. Đây là chủ trương chung nên không thể thay đổi", ông Xuân nói.