Làm phim bạo lực vì sự dễ dãi của khán giả?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 2 năm trở lại đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bộ phim mang hơi hướng bạo lực giang hồ, các phim này được chiếu trên các web drama và thu hút được nhiều người xem, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi mà không có ai quản lý. Thậm chí, những phim nào càng bạo lực thì càng được vote (bình chọn- PV) để lên bảng xếp hạng.
Theo đó, web drama là một hình thức phim chiếu mạng miễn phí, dễ nhận thấy là nhiều phim có các từ khoá như: Đại ca, giang hồ... đang “làm mưa làm gió”, nội dung những phim này là những pha đánh đấm rẻ tiền, khoe cơ thể xăm trổ rồng, phượng đầy mình, như: Bố già đường biên, Chạm mặt giang hồ, Dòng máu giang hồ... hay một số phim: Tay buôn, buông tay, Chết thì chịu, Trật tự mới, Thập tứ cô nương, Người của giang hồ, Hiếu bến tàu, Đại ca đi học... nhiều phim có sự tham gia của một số diễn viên, danh hài đã thành danh như Việt Hương, Nam Thư, Lâm Chí Khanh, Hồ Quang Hiếu...
Chia sẻ với PV, đạo diễn Tiến Minh cho hay: “Vài năm trở lại đây, nhiều đạo diễn, diễn viên lại “say mê” làm phim chiếu trên YouTube, trong đó có những bộ phim mang đậm chất giang hồ, đánh đấm. Sau khi bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực, những nhà sản xuất lập tức chuyển hướng khai thác. Họ không làm phim để chiếu rạp nữa, mà làm phim để chiếu mạng. Trên kênh YouTube, không có ai kiểm soát nội dung và sự dễ dãi của đám đông giúp dòng phim giang hồ ung dung đáp ứng thị hiếu và tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo. Trên thực tế, phim nào có nhiều cảnh gây hấn, đánh nhau thì càng được khán giả tò mò tìm xem, mà chủ yếu là khán giả trẻ, điều này rất nguy hiểm cho thế hệ mới bởi sự bạo lực sẽ “ăn dần” vào suy nghĩ của họ. Tư duy lệch lạc này cần được chấn chỉnh lại”.
Trước câu hỏi, liệu sự xuất hiện tràn lan của các web drama “triệu view” có ảnh hưởng đến tính nghệ thuật, chuẩn mực nghệ thuật của phim ảnh truyền thống? Đạo diễn Vũ Hồng Sơn cho hay: “Tôi nghĩ nó sẽ không đủ sức để ảnh hưởng. Bởi phim có tính nghệ thuật hay không là phải đi vào cuộc sống, có thông điệp. Sức nóng của bộ phim đề tài gia đình, Về nhà đi con là một ví dụ. Điều này cho thấy phim chân chính, phim nghệ thuật vẫn luôn có sức sống riêng mà không cần đến khiêu dâm hay bạo lực. Cái nguy hiểm nhất của các phim chiếu mạng triệu view kém chất lượng là gây tác hại đến nhãn quan của người xem, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, nó khiến cho nhiều bạn trẻ sau khi tham gia một vài tập phim, đóng một vài cảnh nóng, ăn mặc hở hang cũng tự nhận mình là diễn viên trẻ, nghệ sĩ trẻ, làm cho định nghĩa về diễn viên không còn đúng chuẩn trong mắt công chúng...”.
Đạo diễn Hồng Sơn cho biết thêm: “Có một thực tế là những phim được chiếu trên mạng nếu có lượt xem cao doanh thu quảng cáo cũng vì thế mà tăng lên. Nhưng điều quan trọng là nội dung những bộ phim ấy khó quản lý hơn rất nhiều những phim chiếu rạp, phim truyền hình. YouTube giờ cũng có dán nhãn phim, nếu phim quá bạo lực cũng bị phản hồi nhưng điều quan trọng là họ vẫn để bị lọt những bộ phim mang hơi hướng giang hồ nên giới trẻ cứ vô tư xem và có những em đã bắt chước những thước phim này, gây nên hậu quả rất nghiêm trọng”.
Cảnh báo nguy hiểm nếu giới trẻ xem và bắt chước
Nhà sản xuất phim Tùng Linh cho hay: “Chưa bao giờ việc làm phim dễ như bây giờ, chỉ cần một kịch bản hời hợt, vài diễn viên “cỏ”, không cần nổi tiếng lắm là có thể có một bộ phim. Việc lập một trang web hay một trang fanpage trên mạng xã hội rất dễ, không cần phải xin phép ai. Nếu cẩn thận thì gắn ở dưới đáy trang dòng chữ “đang chạy thử nghiệm”, thử nghiệm cả... trăm năm cũng được. Phim để phát trên nền tảng này cũng thế, không cần phải xin phép, cứ thế tung lên mạng. Có nghịch lý là những phim này có lượng người xem nhiều gấp mấy trăm lần phim ở trên truyền hình, phim rạp. Có thể thị hiếu giới trẻ giờ thay đổi rồi chăng? Chúng tôi cũng thấy rất nguy hiểm nếu giới trẻ xem và bắt chước những nhân vật trong phim”.
Thời gian vừa qua, ngoài những bộ phim giang hồ, bạo lực do một số nghệ sĩ làm thì một số bộ phim mang hơi hướng bạo lực cũng có sự tham gia, góp mặt thậm chí là “nhà đầu tư” của một số giang hồ có số có mà ngoài đời thật như: Đường “Nhuệ”, Dũng “trọc”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Giang “rồng”, Huấn “hoa hồng”... Điểm chung của những bộ phim chiếu trên mạng của những nhân vật này là những video mang tính bạo lực, đòi nợ thuê...
Đường “Nhuệ” từng góp mặt trong nhiều dự án được giới thiệu thuộc dòng phim giang hồ, xã hội đen như: Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỉ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ... Một điều nghịch lý là ngoài đời, Đường "Nhuệ" vi phạm pháp luật nhưng trên phim, anh ta hiện lên như một “tượng đài”. Các phân đoạn có sự xuất hiện của Đường "Nhuệ" đều được đạo diễn xếp vào thời điểm quan trọng, như phân đoạn trong một bộ phim Trước cuộc thanh trừng giữa 2 phe phái, trước khi lưỡi dao của ai đó được hạ xuống để tiêu diệt kẻ yếu thế hơn thì Đường "Nhuệ" có mặt để phân tích phải trái, đạo lý làm người. Nói chung, bất kể khi nào Đường "Nhuệ" xuất hiện, anh ta như một người hùng được kính nể. Sau này, khi Đường "Nhuệ" dính vào vòng lao lý, người ta thấy hoảng hốt vì những bộ phim trước đó của gã giang hồ này phi thực tế và đối lập với con người thật.
Phú Lê cũng là một tay giang hồ theo hướng như Đường Nhuệ, được cộng đồng mạng phong là ca sĩ, diễn viên sau một số dự án tự đầu tư, chiếu trên YouTube. Trong 2 phần phim Chạm mặt giang hồ, Phú Lê được xây dựng thành nhân vật giàu lòng vị tha, luôn nghĩ đến anh em, hiếu thảo với mẹ. Ngoài ra, Cu Thóc từng bị bắt vì sử dụng ma tuý vào tháng 4/2019 cũng từng tham gia dự án phim của Phú Lê. Ngoài phim ảnh, Phú Lê còn thử sức ở lĩnh vực âm nhạc như Đời là thế thôi, Cát bụi cuộc đời... đạt lượt xem khủng. Chỉ đến khi Phú Lê bị công an điều tra vì tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng vào tháng 8/2020, nhiều người mới “té ngửa” ra rằng, hình như họ đang bị “lừa” khi xem chính giang hồ thật đóng phim... giang hồ?
Khao khát được cống hiến cho nghệ thuật là điều ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, việc giang hồ đổ xô đi làm nghệ sĩ như hiện nay khiến không ít người ngao ngán. Đặc biệt là sự cổ súy cho bạo lực cũng như tính phí thực tế của những bộ phim này. Những sản phẩm như thế này chỉ là phương thức để các gã giang hồ “tẩy trắng" bản thân, còn mục đích vì nghệ thuật thì chưa hẳn. Sau này, những nhân vật trên đều từng bị cơ quan chức năng bắt giữ, giáo dục vì có hành vi phạm pháp luật thì nhiều người cảm thấy hối hận vì đã cổ suý cho những thước phim này.
Nói về lỗ hổng khi chiếu phim giang hồ trên mạng, biên kịch Khánh Hà cho hay: “Chiếu phim ở trên mạng không có ai quản lý nội dung, ai muốn làm phim gì cũng được, đây là “lỗ hổng” mà các nhà quản lý cần xem xét kỹ nếu không sẽ lọt rất nhiều phim có nội dung “bẩn” dành cho người trẻ. Dễ nhận thấy là khi đưa những phim có nội dung đứng đắn, giáo dục lên thì không có người xem, songphim có nội dung đánh nhau, sến sẩm, thậm chí có yếu tố sex vào thì lượng người xem tăng vọt.
Kể từ vụ xử lý phim sitcom Căn hộ 69 (năm 2014) đến nay, các cơ quan có chức năng ở Việt Nam vẫn còn rất lúng túng, chỉ khi dư luận lên tiếng, thanh tra, công an vào cuộc thì mới xử lý. Mạng xã hội vẫn là một không gian đầy thách thức, cần sự quyết liệt vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng nếu không tình trạng bát nháo sẽ con xảy ra”.
Khán giả nên là những nhà phê bình thông thái
Chia sẻ với PV, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL) cho hay: “Hiện nay Luật điện ảnh đang sửa đổi nên nhiều khi nói gì cũng khó. Nếu ban hành luật rồi thì cứ theo luật mà xử lý. Vào tháng 10/2020 thì Luật mới trình Quốc hội lần 1 và nếu được thông qua, đến năm 2022 thì mới có hiệu lực. Giải pháp hiện tại là khán giả nên tẩy chay những bộ phim này vì nó cũng ảnh hưởng đến lối sống của giới trẻ. Nhưng nói thật, những đạo diễn muốn thể hiện tài năng của mình họ cũng không làm phim giang hồ bạo lực. Khán giả cần là những nhà phê bình phim thông thái, nếu người xem “quay lưng” với phim giang hồ thì phim này không còn đất sống”.