Tan hoang
Suốt nhiều năm qua, bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực. Đặc biệt, sau cơn bão số 13 năm 2020, tình trạng biển xâm lấn càng nghiêm trọng hơn. Một dãy gồm 10 nhà hàng, resort ven biển với nhiều công trình phụ trợ, là nơi kinh doanh, sinh sống bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ bị cuốn phăng ra biển.
Mới nhất, theo ghi nhận của PV, dọc bờ biển Cửa Đại đến bãi biển An Bàng, nhiều nơi có dấu vết của biển xâm thực với tình trạng báo động. Vườn dừa ở biển Cửa Đại dài khoảng 300m, có tác dụng chắn sóng, chắn gió và là điểm du lịch trở thành điểm nóng sạt lở. Hàng trăm cây dừa đã bị biển đánh bật gốc. Đáng lưu ý nhất, điểm sạt lở mép biển đến đường Âu Cơ, phường Cửa Đại chỉ còn khoảng 100m.
Ông Phạm Lộc Phát cho hay, sinh sống ở khu vực này hơn 30 năm. Thời gian trước, tình trạng sạt lở xảy ra chủ yếu ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng sạt lở đã xâm lấn khu vực phía Bắc và diễn biến phức tạp.
Tại dãy nhà hàng, resort bờ biển đã bị ăn sâu tạo vực sâu khoảng 2m, có đoạn, hồ bơi chỉ cách biển vài bước chân. Tại Palm Garden Resort, biển đã ăn sâu vào gần móng công trình.
Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, chủ cơ sở kinh doanh tại khu vực này thông tin, tình trạng biển xâm lấn ngày càng nghiêm trọng. Gần 10 năm nay, trước mùa mưa bão, gia đình lại bỏ vài chục triệu ra làm kè chắn sóng nhưng sau đó liền bị cuốn trôi.
Bên cạnh việc sửa sang lại cơ sở kinh doanh, chủ các nhà hàng ở khu vực biển Cửa Đại tự bỏ tiền mua số lượng lớn tre, cát gia cố lại bờ biển nhằm giảm tình trạng biển xâm thực.
“Với tình trạng này, trong mùa mưa bão sắp tới, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Hiện, chúng tôi chỉ biết mua tre về gia cố các khu vực bị biển “nuốt”. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm thời. Khi mùa mưa tới, tre không thể chống chọi nổi. Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương có cách giải cứu bờ biển Cửa Đại, nếu không, các cơ sở kinh doanh sẽ bị sập”, chủ một nhà hàng trăn trở.
Trăm tỷ cứu bờ biển
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, thời gian qua, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa những hiện tượng thời tiết cực đoan như tình trạng sạt lở biển, bồi lắp, dòng chảy, lượng bùn cát trong khu vực để gắn bó mật thiết với tác động đến tình trạng chung của biển Hội An. Do đó, các giải pháp đặt ra phải mang tính đồng bộ mới giải quyết được căn cơ tình trạng sạt lở bờ biển.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đang thực hiện các giải pháp cấp bách, lâu dài. Trước mắt, địa phương sẽ xây dựng hệ thống đê, vừa giảm sóng vừa bảo vệ bờ. Đây chỉ giải pháp tình thế để bảo vệ những khu vực bị sạt lở nặng, đồng thời xúc tiến các giải pháp căn cơ và bền vững hơn.
Theo ông Thanh, mới nhất, vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình kè bảo vệ bờ và tái tạo bãi biển Cửa Đại – Cẩm An, TP.Hội An. Kè bảo vệ này có lý trình km0+420 đến km2+245.
Tổng cộng các gói thầu này trị giá hơn 145 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách TP.Hội An.
Trong đó, gói thầu thi công xây dựng công trình có giá gần 137 tỷ đồng, phương thức đầu thầu rộng rãi, một giai đoạn, hai túi hồ sơ.
UBND TP.Hội An là chủ đầu tư được yêu cầu chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành chức năng liên quan theo dõi, hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện.
Với những công trình kè bảo vệ bờ như thế này, hy vọng sẽ “cứu” được bờ biển Cửa Đại.