Quốc hội yêu cầu dạy môn Lịch sử cả phần lựa chọn và bắt buộc

Admin
Điều này giúp đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Sau 19 ngày làm việc tích cực, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3. Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện ảnh, Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động; thông qua 17 nghị quyết.

Ngoài ra, cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi).

Yêu cầu Chính phủ bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn đến nước ta, liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Sau khi xem xét các báo cáo, tờ trình về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung hoàn thiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh tiến độ, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kiềm chế áp lực tăng lạm phát, kiểm soát nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng, dầu.

Nhiều dự án luật đã thông qua trong kỳ họp lần này

Thiết kế môn Lịch sử ở cấp THPT cả ở tự chọn và bắt buộc

Đối với môn Lịch sử, Quốc hội yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông.

Bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Ngoài ra, bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Thí điểm xử lý nợ xấu

Về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.

Giá sách giáo khoa là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm

Xử lý hành vi mua sắm hàng hóa vượt quá nhu cầu

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội cơ bản thống nhất với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 như Báo cáo của Chính phủ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm túc kế hoạch giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" của Quốc hội.

Đặc biệt giải quyết dứt điểm những tồn tại đã được nêu tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Khẩn trương chỉ đạo rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng...

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa đầy đủ theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức, đơn giá không còn phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư cũng như mua sắm vượt quá nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Ngoài ra, triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, đặc biệt là đất đai, khoáng sản.

Kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật, đất do hành vi vi phạm pháp luật; hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, xử lý các vi phạm này tại kỳ họp giữa năm.