Rà soát, có thể áp dụng hình phạt bổ sung với thủy điện Thượng Nhật

Admin
Hơn 3,4 tỷ đồng là số tiền mà thủy điện Thượng Nhật phải nộp để thực hiện trồng thay thế gần 50 ha rừng bị ảnh hưởng.

Bao nhiêu diện tích rừng bị ảnh hưởng?

Ngày 25/12, liên quan quá trình thực hiện dự án nhà máy thủy điện Thượng Nhật do công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, thông tin với báo chí, đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dự án này đã ảnh hưởng 46,76 ha rừng trồng.

Số tiền mà công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam phải nộp quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 6/9/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án là 3.460.386.000 đồng.

Tin nhanh - Rà soát, có thể áp dụng hình phạt bổ sung với thủy điện Thượng Nhật

Thuỷ điện Thượng Nhật bất chấp tình hình mưa lũ phức tạp vẫn ngang nhiên tích nước trái phép đe doạ tính mạng của người dân ở vùng hạ du.

Một nguồn tin khác của PV cũng cho hay, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức họp để rà soát tình hình thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật. Động thái này được thực hiện sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được công văn của bộ Tài nguyên và Môi trường bác đề nghị của địa phương về việc thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của thủy điện Thượng Nhật.

Trong đó, công văn của bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng hành vi vi phạm, đặc biệt là mức độ tác động đến sự an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa thủy điện Thượng Nhật.

Trên cơ sở đó, tùy theo mức độ vi phạm, bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thừa-Thiên Huế xem xét việc áp dụng hình phạt bổ sung (nếu có) là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt từ 1 tháng đến 3 tháng theo quy định tại khoản 10, Điều 13, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

Được biết, trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có Công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam.

Nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe hành vi tích nước trái phép trong mùa mưa lũ, bộ Công thương đã đồng ý đề nghị của Thừa Thiên-Huế bằng việc ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Giám sát không phải biện pháp toàn năng

Trao đổi với PV, một đại diện của ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy thủy điện Thượng Nhật. "Tuy nhiên, dù giám sát chặt chẽ thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của chủ đầu tư", vị này nhấn mạnh.

Nói về ý thức, xin được nhắc lại, thủy điện Thượng Nhật là công trình thủy điện với công suất lắp máy (2 tổ máy) 11MW, nhưng vẫn chưa chính thức hoạt động, dù đã được triển khai 12 năm. Tuy nhiên, trước tình hình mưa bão nguy hiểm thời gian qua, nhà máy đã tự ý tích nước khi chưa được phép, không xả tất cả các cửa van để đón lũ, bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng. Hành vi này không chỉ gây mất an toàn hồ đập mà còn đe dọa tính mạng của người dân ở vùng hạ du. Bức xúc hơn, sau khi vi phạm, thủy điện Thượng Nhật còn có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.

Trả lời chất vấn của báo chí về thông tin chủ đầu tư dự án thủy điện này đến nay chưa hoàn thành việc chi trả tiền đền bù cho các hộ dân phát sinh do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đã ban hành Công văn số 11393/UBND-NĐ giao UBND huyện Nam Đông rà soát và làm việc với Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam để giải quyết dứt điểm các vướng mắc và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định và thẩm quyền; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo cụ thể và đề xuất phương án xử lý gửi Hội đồng tư vấn xem xét trình UBND tỉnh.