Sự thật về cơ sở “khai thác” đá mồ côi và chỉ đạo của UBND huyện

Admin
Trong báo cáo của phòng Tài nguyên và Môi trường gửi Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu khẳng định, công ty không hề được cấp phép khai thác khoáng sản.

Không có phép… vẫn làm

Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (theo chỉ đạo của Trưởng phòng) cung cấp thông tin, hộ ông Nguyễn Văn Sách (tại ấp 4, xã Vĩnh Tân) thực chất đây là công ty TNHH Đại Phước Tân do ông Nguyễn Văn Sách làm Giám đốc (có địa chỉ tại ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Theo báo cáo, Công ty này không có giấy phép khai thác khoáng sản và cũng không khai thác khoáng sản tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Công ty có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) cấp đăng ký thay đổi lần 1 ngày 18/6/2018.

Về nguồn nguyên liệu đá dùng cưa - xẻ được Công ty cung cấp là hợp đồng gia công đá với công ty Cổ phần Thạch Bàn (ngay sát bên, như các bài viết gần đây mà nhóm PV đã đề cập).

Bên cạnh đó, Công ty còn ký với công ty TNHH Đức Lê STONE. Tiếp đó là hợp đồng mua bán đá hộc với công ty TNHH Hiệp Tuấn Ngọc.

Xã hội - Sự thật về cơ sở “khai thác” đá mồ côi và chỉ đạo của UBND huyện

Đá mồ côi đang tập kết, chờ để đưa về công ty Thạc Bàn và Đại Phước Tân.

Công ty Đại Phước Tân hoạt động gia công cưa - xẻ đá trên thửa đất số 38, 290 tờ bản đồ số 26, ấp 4, xã Vĩnh Tân.

Ngoài nguồn nguyên liệu đá chủ yếu là gia công cho công ty Thạch Bàn, công ty Đức Lê STONE và mua nguồn đá từ công ty Hiệp Tuấn Ngọc thì công ty Đại Phước Tân còn có mua đá của một số hộ dân cải tạo đất có dư đá mồ côi đem bán cho Công ty.

“Công ty chỉ thực hiện gia công và mua bán, cưa – xẻ đá nên phương tiện vận chuyển nguyên liệu đá và sản phẩm ra vào Công ty là do bên bán, bên giao đá gia công thực hiện”, ông Bình cho hay.

Về công suất được cấp phép gia công cưa – xẻ đá là 3.000m3 sản phẩm/năm. Cũng theo ông Bình, “định kỳ hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an huyện, UBND xã Vĩnh Tân và sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của Công ty”. T

uy nhiên, báo cáo này lại không cho biết rõ các nội dung kiểm tra và kết quả kiểm tra như thế nào?.

UBND huyện im lặng?

Liên quan đến việc hoạt động của công ty Thạch Bàn và công ty Đại Phước Tân (2 công ty chính khai thác, chế biến đá mồ côi trên địa bàn) PV Người Đưa Tin Pháp luật đã liên hệ đến UBND huyện Vĩnh Cửu.

Xã hội - Sự thật về cơ sở “khai thác” đá mồ côi và chỉ đạo của UBND huyện (Hình 2).

Một công trường khai thác, cưa xẻ, chế biến đá mồ côi.

Tuy nhiên, ngoài cung cấp thông tin mang tính chất “nêu vấn đề” thì đến nay vẫn chưa có bất cứ kết luận hay chỉ đạo nào liên quan đến việc khai thác khoáng sản, cụ thể là đá mồ côi (dùng để ốp lát, lót sân…) đối với 2 Công ty này.

Thực tế, làm việc với PV, ông Phạm Duy Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Cửu khẳng định: “Hiện, UBND huyện vẫn chưa có bất cứ chỉ đạo nào đối với vụ việc này. Tới đây, lãnh đạo huyện họp và sẽ có những chỉ đạo, sau đó, đề nghị PV liên lạc lại để được cung cấp thông tin”.

Khi việc khai thác đá mồ côi diễn ra trong thời gian dài và đây đang là loại khoáng sản được tập trung khai thác rất lớn trên địa bàn huyện Trảng Bom, vận chuyển về huyện Vĩnh Cửu để sản xuất, tinh chế thế nhưng đến nay, UBND huyện Vĩnh Cửu vẫn chưa có bất cứ chỉ đạo nào, khiến dư luận quan tâm và bức xúc.

PV sẽ tiếp tục thông tin vụ việc