Theo đó, Vinafor đang quản lý, sử dụng 47.895,60 ha, trong đó diện tích đã được cấp giấy CNQSD đất là 15.445,32 ha, diện tích chưa được cấp mới, cấp đổi giấy CNQSD đất sau đo đạc, cắm mốc là 32.450,28 ha.
Qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ kết luận, Vinafor còn để diện tích đất bị lấn, chiếm chưa thu hồi là 7.396,73 ha (chiếm 15,44% tổng diện tích được giao, thuê).
Việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn 2005 trở về trước. Trong đó, có nguyên nhân do những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm không đưa vào sử dụng nên bị hộ dân lấn, chiếm.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, đất lâm nghiệp trước đây chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể nên khi bị lấn chiếm không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng lấn chiếm xảy ra trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nhận khoán rừng và đất rừng, tuy nhiên khi hết chu kỳ nhận khoán không ký lại hợp đồng nhận khoán, không trả lại đất cho bên giao khoán.
Theo Thanh tra Chính phủ, đất lâm nghiệp công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà (công ty con của Vinafor) bị các hộ dân lấn, chiếm 492,30 ha và tự ý trồng xen cây các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày dưới tán rừng với diện tích 1.156 ha.
Đến 31/12/2017, công ty Lâm Nghiệp La Ngà đã ký 2.444 hợp đồng giao khoán với các hộ dân có diện tích là 3.763,59 ha đất theo Nghị định 01/CP của Chính phủ, sau này chưa ký lại hợp đồng.
Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thủ tướng, Tổng công ty Lâm Nghiệp được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà đất (tổng diện tích 55,39 ha đất), đến nay mới trình các cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 7 cơ sở, còn 76 cơ sở chưa được xử lý theo quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết 2 công ty con của Vinafor là Công ty Vinafor Vinh và Vinafor Sài Gòn để nhà, xưởng, văn phòng xuống cấp, sử dụng lâu năm và hết khấu hao nhưng chưa có phương án đầu tư mới để khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất đai đã được giao, thuê.
Ngoài ra, Giám đốc Lâm trường Tân Lạc ký Hợp đồng giao khoán 150 ha đất nông nghiệp với trung tâm Ứng dụng KHKT lâm nghiệp thuộc viện Khoa học Lâm Nghiệp, thời gian khoán 50 năm theo quy định tại Nghị định số 01/CP của Chính phủ, nhưng khi Nghị định số 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực thì đơn vị nhận giao khoán không thuộc đối tượng được giao khoán đất nông nghiệp, cần phải được rà soát để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất, đảm bảo theo quy định.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vinafor chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm của tổng công ty nêu tại kết luận thanh tra.
Đồng thời kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Vinafor chủ động phối hợp, đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố xử lý, giải quyết dứt điểm diện tích đất bị lấn, chiếm, tranh chấp và diện tích đất trồng lấn; khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của các địa phương để hoàn tất thủ tục cấp giấy CNQSD đất đối với 32.450,28 ha đất; hoàn thành việc rà soát, cắm mốc với diện tích đất còn lại (2.608 ha).