TP.HCM: 85% trường hợp tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền, đề xuất cho phép tất cả hàng quán được được bán bia, rượu

Admin
Sở Y tế TP.HCM cho biết 85% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố là trường hợp có kèm bệnh nền.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 13/11 đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Theo đó, Giám đốc sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng tại cuộc họp cho biết, trong 7 ngày qua, một số địa phương trên địa bàn TP.HCM có số F0 tăng cao, gồm: huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp.

Trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19.

Ông Thượng cho hay, dựa trên biểu đồ diễn tiến ca bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, có thể thấy, số F0 tại Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm quận 10 và huyện Nhà Bè.

tp hcm 85 truong hop tu vong do covid 19 kem benh nen de xuat cho phep tat ca hang quan duoc duoc ban bia ruou 01

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: TTBC

Về tình hình thu dung, điều trị, Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 1/10 - 12/11, số F0 cách ly tại nhà xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.

Phân tích tình hình tử vong do Covid-19 tại TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết số ca tử vong tại thành phố dao động 40 ca/ngày. Trong đó, 85% số người tử vong do Covid-19 có kèm bệnh nền.

Thành phố Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình và quận 12 là 4 khu vực có số ca tử vong cao nhất trong 3 ngày qua trên địa bàn thành phố.

“Số ca cách ly tại nhà chiều hướng tăng, trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì thành phố đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, sở Y tế kiến nghị, ban chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0”, ông Tăng Chí Thượng đề xuất.

Theo Vnexpress, cũng tại cuộc họp, Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10.

tp hcm 85 truong hop tu vong do covid 19 kem benh nen de xuat cho phep tat ca hang quan duoc duoc ban bia ruou 02

Giám đốc Sở Công thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Vnexpress

Ông Vũ cho hay thành phố Thủ Đức và quận 7 đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực sau 2 tuần thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn. Đồng thời, 2 địa phương này cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Do đó, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM kiến nghị UBND thành phố cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

"Xét các yếu tố về bao phủ vaccine, sức khỏe tinh thần, sở Công thương thành phố đã lấy ý kiến của một số chuyên gia. Từ đó sở nhận thấy, việc ngồi cùng bạn bè là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh", ông Vũ phát biểu tại cuộc họp.

Theo kiến nghị của lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM, các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn chỉ hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h, khách đến phải tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19,... UBND các quận, huyện phải xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép các quán phục vụ bia rượu.

Tạp chí Tri thức trực tuyến cho hay, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng đồng tình với sở Công Thương.

Bà Hoa cho rằng với nguyên tắc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP.HCM có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình với các hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.

Lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cùng quan điểm rằng thành phố nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn ở một số quận, huyện.