Tp.HCM sẽ bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ thế nào?

Admin
Theo Sở Y tế Tp.HCM, các ca tử vong do Covid-19 thời gian gần dây đều tập trung vào nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền… do đó cần có chiến lược bảo vệ nhóm này.

Ngày 7/12, Sở Y tế Tp.HCM cho biết đã có tờ trình, trình UBND Tp.HCM dự thảo Triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Theo Sở Y tế, qua phân tích trong thời gian gần đây, những người tử vong do mắc Covid-19 trên địa bàn Tp.HCM phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, có phương án chăm sóc, điều trị cho nhóm nguy cơ này, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, Tp.HCM phát động Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do Covid-19.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, chiến dịch sẽ bắt đầu từ ngày 7/12 đến ngày 31/12, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022.

Sở Y tế kiến nghị UBND Tp.HCM yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Tp.Thủ Đức, các quận, huyện và ngành y tế khẩn trương huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động sau đây:

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi, người có bệnh nền), báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và Tp.Thủ Đức để dự trù số lượng test nhanh. Ban chỉ đạo các quận, huyện gửi báo cáo về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật để được cung ứng sẵn sàng cho chiến dịch. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và Tp.Thủ Đức thu thập thông tin của người thuộc nhóm nguy cơ, hoàn thành trước ngày 12/12.

Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách quản lý trên địa bàn. Khuyến khíc thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Nếu không thể tự làm xét nghiệm thì trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Những người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được xét nghiệm 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày (nếu xét nghiệm lần 1 âm tính). Kết quả xét nghiệm cả 2 lần âm tính sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM chịu trách nhiệm truyền thông, hướng dẫn những biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ không bị lây nhiễm Covid-19; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thuộc nhóm nguy cơ. Đảm bảo tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ phải được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 (đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên 6 tháng; các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày) và phải hoàn thành việc tiêm chủng trước ngày 29/12.

Đối với các trường hợp được phá hiện mắc mới Covid-19, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0. Hướng dẫn F0 hoặc người chăm sóc F0 về cách sử dụng của các gói thuốc A, B, C theo đúng chỉ dẫn. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của F0, nguyện vọng của người bệnh và gia đình để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương quyết định cho F0 cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện.

Trung tâm y tế quận, huyện, Tp.Thủ Đức chịu trách nhiệm chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền. Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, thông báo ngay đến trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn để kịp thời sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.

Hội Y học Tp.HCM phối hợp Sở Y tế thành phố và Sở Thông tin - Truyền thông cho biết vừa mở thêm nhánh 5, nhánh tư vấn chăm sóc sức khỏe theo chuyên khoa. Tổng đài 1022, nhánh 5 có cước gọi miễn phí bắt đầu đi vào hoạt động với phương châm: “Hãy cùng hành động vì sức khỏe của người dân Tp.HCM”.

Tổng đài 1022, nhánh 5 có đội ngũ hơn 200 bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm của Hội Y học Tp.HCM tham gia tư vấn. Đường dây này đã hỗ trợ nhiều người bệnh thông qua việc trao đổi trực tiếp để tìm hiểu vấn đề sức khỏe của họ; từ đó hướng dẫn dùng thuốc, tư vấn về lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập, chỉ định thăm khám hay xét nghiệm bổ túc hoặc giúp chuyển bệnh đến cơ sở điều trị thích hợp.

Người dân khi gặp các vấn đề về sức khỏe có thể gọi Tổng đài 1022, nhánh 5 để được tư vấn, hạn chế việc đi lại, giảm nguy cơ lây nhiễm khi đến các cơ sở y tế, tiết kiệm thời gian và chi phí.