TP.HCM: Tăng thời gian mở cửa siêu thị nhưng không tăng người ra đường

Admin
Trước đề xuất tăng thời gian mở cửa siêu thị, sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh việc quản lý sẽ không tăng người ra đường trong lúc địa phương đang áp dụng giãn cách.

Chiều tối 7/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và UBND TP.HCM, cơ quan này đang lên kế hoạch nới rộng thời gian hoạt động của các siêu thị và một số loại hình dịch vụ.

Lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh, các tính toán của Sở dựa trên quan điểm rằng sự mở cửa lại của nền kinh tế cần thực hiện từng bước theo hướng phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Dân sinh - TP.HCM: Tăng thời gian mở cửa siêu thị nhưng không tăng người ra đường

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM.

Một trong những phương án đã được sở Công Thương TP.HCM đề xuất là tăng thời gian mở cửa của các siêu thị. Hiện nay, những đơn vị này được mở cửa từ 6h sáng đến 17h hàng ngày. Thời gian tới, các siêu thị, cửa hàng có thể được mở đến 21h.

"Trước mắt, chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất việc tăng cường công suất, tăng dần hoạt động của các cơ sở này (siêu thị - PV). Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị cần đảm bảo không làm tăng số người ra đường, không để ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch Covid-19", ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.

Cũng trong cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM báo cáo, trong thời gian giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, tại 914 chốt kiểm soát toàn thành phố, Công an TP.HCM đã kiểm tra 2.141.502 phương tiện, lập biên bản 11.176 trường hợp, xử phạt số tiền hơn 17,7 tỷ đồng. Trong đó, lỗi chính là ra đường không có lý do chính đáng với 11.077 trường hợp, chiếm tỷ lệ 99%.

Đối với việc kiểm tra mã QR khai báo y tế khi qua chốt kiểm soát, tính đến ngày 6/9, Công an Thành phố đã phát hiện 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường. Cụ thể, có 29 trường hợp thuộc diện cấp giấy đi đường, còn lại là người đi khám chữa bệnh, đi tiêm ngừa, shipper...

Qua công tác xác minh, 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường thì có 10 trường hợp đã khỏi bệnh, 17 trường hợp cách ly tập trung, còn lại là cách ly tại nhà. Ngành công an cũng đã thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào danh sách cảnh báo hủy 20 trường hợp.

Dân sinh - TP.HCM: Tăng thời gian mở cửa siêu thị nhưng không tăng người ra đường (Hình 2).

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM.

Để xác định F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội trong thời gian tới, được sự hỗ trợ của bộ Công an, Công an TP.HCM đã cung cấp trang thiết bị, camera, SIM 4G cho 22 địa phương và hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện việc quét mã QR tại các chốt.

Sắp tới, Công an TP.HCM sẽ hoàn thành lắp đặt 100 đầu quét kiểm tra mã QR tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức để tăng cường kiểm soát giao thông trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Trước đó, trong ngày 6/9, ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Từ nay đến ngày 15/9, Thành phố cơ bản vẫn tiếp tục các biện pháp siết chặt giãn cách giống như từ ngày 23/8 đến hiện tại, nhưng có các điểm điều chỉnh.

Điều chỉnh đầu tiên là các siêu thị, hệ thống cung ứng được triển khai đến từng xã, phường, thị trấn. Ở những "vùng đỏ", shipper sẽ đi chợ thay các hộ dân. Người dân tại "vùng xanh" có thể đi chợ một lần mỗi tuần.

Ngoài ra, từ nay đến ngày 15/9, TP.HCM đã tính tới phương án thí điểm mở lại một số dịch vụ bán đồ ăn mang về tại "vùng xanh". Khi tình hình chuyển biến tốt, những địa bàn an toàn, ngành nghề an toàn sẽ từng bước được mở lại.