Mạng lưới thầy thuốc đồng hành - Tăng cường bổ sung phương tiện chở bệnh nhân
Tính từ 18h30 ngày 2/8 đến 6h ngày 3/8, TP.HCM ghi nhận thêm 1.998 trường hợp dương tính mới (đã được bộ Y tế công bố vào sáng 3/8).
Tính từ đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ 27/4), TP.HCM có hơn 100.500 trường hợp mắc Covid-19. Tính đến 7h ngày 2/8 đã có hơn 37.800 trường hợp mắc bệnh tại TP.HCM được điều trị khỏi, tính từ khi dịch bệnh bắt đầu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP.HCM đang thắt chặt, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị, cách ly cho bệnh nhân và các F.
Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện thành phố này đang phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành (điều phối bởi hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) thực hiện tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Dựa vào thông tin hàng ngày của tất cả F0 và F1 trên kho dữ liệu chung, mạng lưới sẽ phân chia các trường hợp này cho bác sĩ chủ động liên hệ sàng lọc tình trạng bệnh, phân loại mức nguy cơ, từ 0 đến 4, nhưng vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh.
Ngoài ra, người dân TP.HCM có thể gọi 1022 - nhấn phím 3 để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19.
Nhằm hỗ trợ các quận, huyện chở bệnh nhân Covid-19 đến các nơi điều trị, sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp công ty cổ phần xe khách Phương Trang hoán cải 15 xe khách thành xe vận chuyển người bệnh Covid-19.
Các xe sẽ được trang bị thêm thiết bị y tế cần thiết, đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch như tạo ngăn cách giữa khoang tài xế và khoang người bệnh, gắn bình oxy để người bệnh sử dụng trong quá trình vận chuyển, có nơi ngồi và băng ca chuyển người bệnh, trang bị đầy đủ khẩu trang và dụng cụ phòng hộ cho tài xế, nhân viên y tế, người bệnh.
Kế hoạch tiêm chủng lưu động
TP.HCM đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều vắc xin cho người dân; riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ vắc xin, TP.HCM đề nghị bộ Y tế xem xét phân bổ liên tục để đến cuối tháng 8 đạt khoảng 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.
Theo kế hoạch, TP.HCM tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người nghèo yếu thế, người dân trong khu vực phong toả.
UBND quận, huyện, phường, xã lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, phân nhóm theo ưu tiên. Qua đó căn cứ số lượng người tiêm, quy mô điểm tiêm, công suất đội tiêm, địa phương sắp xếp lịch tiêm theo ngày giờ cụ thể để đảm bảo yêu cầu giãn cách.
Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm y tế nhà nước và tư nhân, tổ chức tại các điểm tiêm cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại khu dân cư.
Tăng cường các điểm tiêm cố định, mỗi phường xã triển khai từ 3-4 điểm tiêm cố định thay vì 2 điểm như trước đây. Đồng thời, tổ chức các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Nhân sự chuyên môn của 1 đội tiêm lưu động gồm 1 bác sỹ thực hiện khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện tiêm, 1 nhân viên thực hiện kiểm tra thông tin phiếu sàng lọ, hỗ trợ bác sỹ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm.
Bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng, không giới hạn số người tiêm chủng trong mỗi buổi tiêm, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Thời gian tiêm có thể kéo dài sau 18 giờ, số lượng tiêm cho một ngày của mỗi đội tiêm chủng có thể hơn 200 người nếu đảm bảo được giãn cách và theo dõi sau tiêm.
Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Với kế hoạch tiêm chủng đợt 5 điều chỉnh, TP.HCM sẽ linh hoạt bố trí điểm tiêm tại các khu phong tỏa. Sáng 2/8, có hàng trăm người dân trong khu vực phong tỏa bên hông chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Phương án hỗ trợ người lao động tự do mất việc, thí sinh thi THPT đợt 2
Hiện, một bộ phận lớn công nhân, lao động tự do mất việc, gặp nhiều khó khăn trong các khu nhà trọ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Để tạo sự yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách, tổ công tác của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thư ngỏ đề nghị sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham gia, vận động cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa tại TP.HCM.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 3.300 thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh phức tạp, TP.HCM sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào 3 ngày 5,6 và 7/8.
Thay vào đó, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ các quy định hiện hành để hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT.
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM có những chuyển biến tích cực, trong đó một phần là nhờ vào sự chung tay, đồng hành của người dân thông qua các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh.
Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, mở rộng vùng xanh, mỗi người dân hãy tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, khuyến cáo 5K của bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người.