Trùm đa cấp Liên Kết Việt đổ trách nhiệm cho thuộc cấp

Admin
Trả lời thẩm vấn trong chiều 21/12, trùm đa cấp Liên Kết Việt – Lê Xuân Giang nhiều lần nói mình “thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật”.

Chiều 21/12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án công ty đa cấp Liên Kết Việt lừa đảo hơn 68.000 bị hại, chiếm đoạt nghìn tỷ đồng.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Xuân Giang (SN 1971) - Chủ tịch HĐQT; Lê Văn Tú (SN 1985) - Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Thủy (SN 1970) - Phó Tổng giám đốc; 4 bị cáo khác là thành viên nhóm phát triển thị trường công ty Liên Kết Việt gồm Lê Thanh Sơn (SN 1988), Trịnh Xuân Sáng (SN 1975), Nguyễn Xuân Trường (SN 1967) và Vũ Thị Hồng Dung (SN 1974). Các bị cáo đều thuộc công ty Liên Kết Việt.

Hồ sơ điều tra - Trùm đa cấp Liên Kết Việt đổ trách nhiệm cho thuộc cấp

Các bị cáo tại tòa.

Lần lượt các bị cáo được yêu cầu đứng trước bục khai báo để trả lời thẩm vấn.

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Lê Xuân Giang (SN 1971) - Chủ tịch HĐQT công ty Liên Kết Việt khai nhận: Đầu 2014, Liên Kết Việt được sở Công Thương cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh đa cấp theo hình thức trả tiền, nhận hàng và hưởng hoa hồng. Khi đóng 7 triệu đồng, khách hàng nhận 1 máy khử trùng ozone và một số sản phẩm thực phẩm chức năng.

Mặc dù có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng không thu hút được nhiều người mua hàng, doanh thu bán hàng thấp, Lê Xuân Giang đã thành lập 1 ê kíp có kinh nghiệm về kinh doanh đa cấp để thực hiện những hành vi trái pháp luật, nhằm lôi kéo được nhiều người đóng tiền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.

Giang bổ nhiệm Nguyễn Thị Thủy là Trưởng hệ thống kinh doanh. Các đối tượng trong ê kíp đa cấp tự đưa ra công thức, cách tính hoa hồng, thưởng và các chương trình khuyến mại.

Theo cáo buộc, nhằm tạo lòng tin cho các bị hại về hiệu quả kinh doanh của công ty Liên Kết Việt, vào tháng 10/2014, Lê Xuân Giang đặt của nhà sư Phạm Văn Út, tu tại chùa Linh Sơn,TP.Hồ Chí Minh làm giả các Quyết định, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng công ty Liên Kết Việt, công ty BQP, và một số cá nhân trong công ty…

Giang ban đầu không thừa nhận hành vi trả 31 triệu đồng cho Phạm Văn Út để mua các bằng khen giả của Thủ tướng Chính phủ. Sau này, bị cáo khai nhận, do tin tưởng Út có mối quan hệ cấp cao, và chỉ sau này, khi bị truy tố, mới biết đó là bằng giả.

Trước chất vấn của HĐXX “thực tế không có thành tích, nhờ quan hệ để mua bằng khen, bị cáo phải biết bằng khen đó là giả, đúng không?”. Lúc này, Giang phải thừa nhận “đúng”.

Giang nhiều lần nói mình “thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật” và quy trách nhiệm trong nhiều hành vi cho thuộc cấp. Ngay trong việc lợi dụng nhầm lẫn trong tên viết tắt BQP, in các loại bằng khen treo tại trụ sở, văn phòng chi nhánh để khuếch trương danh tiếng, Giang bao biện do nhân viên làm, mình không kiểm soát được.

Bị cáo khai có 11 năm phục vụ tại quân đội, xuất ngũ với hàm trung uý, việc hát quốc ca và mặc quân phục trong các sự kiện trao thưởng của Liên Kết Việt, không nhằm lừa đảo các bị hại mà chỉ thể hiện “niềm tự hào và vinh dự, sự tôn trọng và tin tưởng của tôi với những người lính, với Đảng và Nhà nước”.

Trước các cáo buộc của VKS, khi được HĐXX hỏi “bị cáo có thấy mình sai không?”. Giang chỉ thừa nhận là mắc một số lỗi nhỏ do không hiểu biết, bản thân là người chân chính, luôn mong muốn tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. “Tôi nghĩ đây là một sân chơi bình đẳng, mọi người tự nguyện tìm hiểu, tự nguyện tham gia. Đây thực chất là cơ hội rất tốt cho tất cả mọi người”, lời khai của Giang tại tòa.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.