Việt Nam đưa COVID-19 khỏi danh sách bệnh đặc biệt nguy hiểm

Admin
Chính phủ mới đây đã ban hành nghị quyết mới về chương trình phòng chống dịch COVID-19, đưa COVID-19 khỏi danh sách bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Theo VnExpress, ngày 17/3, Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023). Trong đó, Việt Nam sẽ nghiên cứu, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp chống COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Được biết, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh; còn nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

VietNamNet thông tin thêm, nghị quyết mới yêu cầu sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

covid 19

Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023). Ảnh minh hoạ: VnExpress

Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Về mục tiêu cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đến hết quý I/2022 hoàn thành tiêm mũi hai vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi; tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; đảm bảo đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5 tuổi trước tháng 9/2022.

Đồng thời, nghị quyết yêu cầu các đơn vị khẩn trương nghiên cứu tiêm mũi vaccine thứ tư cho người lớn; mũi thứ ba cho trẻ em từ 5 tuổi; và tiêm cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Cũng theo nghị quyết, Chính phủ đề nghị tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công vaccine trong nước. Thông tin về tiêm vaccine của người dân sẽ được cập nhật theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân cũng cần phải thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Cần có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của Châu Á.

Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

100% các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch.

Bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch phải được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Theo nghị quyết, các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… cần được bảo vệ và bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Chương trình phòng chống dịch COVID-19 mới sẽ được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.