Mở phiên tòa sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ
Sáng 26/1, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy tại dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk).
Theo đó, các bị cáo gồm: Đỗ Văn Hưu (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984), Lê Thành Nguyên (SN 1983); Lê Sơn (SN 1985, đều nguyên là cán bộ địa chính xã Cư Elang) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, còn có 6 bị cáo là 3 cặp vợ chồng gồm: Y Thoai Byă (SN 1962), H’Blút Niê (SN 1967), Y Wem Byă (SN 1971), H’Nĩ Niê (SN 1965), Y Thiên Ktla (SN 1962) và H’Nút Byă (SN 1965, cùng trú tại xã Cư Elang) cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ thực hiện hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa hôm nay, các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị triệu tập những người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, nguyên đơn dân sự, giám định viên… Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đã làm việc với những đơn vị nêu trên, sự vắng mặt này không làm ảnh hướng đến quá trình xét xử. Do đó, phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Trước đó, ngày 28/5/2020, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tại đây, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện UBND huyện Ea Kar cùng một số cơ quan đơn vị liên quan. Đồng thời, đề nghị trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Y Wem Byă vì tại phiên tòa bị cáo này có nhiều biểu hiện bất thường như không trả lời các câu hỏi, không biết địa chỉ nhà, cười nhiều... Do đó, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Y Wem Byă.
Kết luận giám định cho thấy, tại thời điểm trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại ông Y Wem Byă bị hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Đến 13/1, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 có 28 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nguyên đơn dân sự vắng mặt. Do đó, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk và luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng việc vắng mặt những người này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Vì vậy, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào năm 2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất thực hiện điểm tái định cư số 1 thuộc địa giới hành chính xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư.
Trong thời gian 2016 - 2017, khi biết được chủ trương và thực hiện chủ trương thu hồi và bồi thường, hỗ trợ nên các ông Nghĩa, Sơn, Nguyên đã góp tiền cùng nhau mua đất. Sau đó, các cán bộ này nhờ các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đều thuộc diện hộ nghèo nói trên đứng tên trên hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ… và đều thuộc diện hộ nghèo nói trên đứng tên trên hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ… dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,6 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, ông Đỗ Văn Hưu là Chủ tịch UBND xã Cư Elang, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc của cán bộ địa chính thuộc quyền và đã ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị bồi thường đất và hỗ trợ trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng.
Nguyên Chủ tịch xã khẳng định không hưởng lợi
Nội dung cáo trạng cáo buộc, bị cáo Đỗ Văn Hưu và Lê Thành Nguyên xác nhận không đúng quy định về quá trình canh tác đối với hộ bà Trần Thị Chạm (trú tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) dẫn đến chi nhánh trung tâm Phát triển quỹ đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ không đúng hơn 1,1 tỷ đồng. Thế nhưng, trong phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Hưu cho biết, ban đầu hồ sơ của bà Trần Thị Chạm trình ra trước hội đồng tư vấn xét duyệt thì hội đồng nhất trí về nguồn gốc đất sang nhượng từ Hoàng Trọng Nghĩa. Sau đó, bị cáo có đến kiểm tra thực địa và thấy ông Nghĩa canh tác, chứ bà Chạm không có dấu hiệu canh tác, sản xuất nông nghiệp. Do đó, hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất của xã Cư Elang quyết định để lại nội dung này, xác minh sau.
Cũng theo lời khai của bị cáo Hưu, bị cáo có trực tiếp gặp Hoàng Trọng Nghĩa để hỏi về tình trạng canh tác thì ông Nghĩa nói, đất đã bán cho bà Chạm rồi nên ông ấy không có ý kiến gì. Khoảng tháng 11/2016, sau khi nghe bị cáo Hưu và bị cáo Lê Sơn báo cáo vướng mắc trong việc xét duyệt hộ bà Chạm thì ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar đã có ý kiến đề nghị UBND xã xác nhận thông tin cho bà Chạm để nhận bồi thường, hỗ trợ vì thửa đất có nguồn gốc chuyển nhượng nếu không xác nhận cho người này thì phải xác nhận cho người kia.
Sau khi có đủ các căn cứ, bị cáo mới lấy ý kiến của hội đồng xét duyệt, kết quả xác nhận bà Chạm là người canh tác nông nghiệp trực tiếp trên đất. Trên cơ sở đó, bị cáo mới ký hồ sơ xin xác nhận canh tác trên đất nông nghiệp cho bà Chạm. Bị cáo Hưu khẳng định, bị cáo đã thực hiện đúng quy trình, quy định trong quá trình xét duyệt, kiểm tra xác minh nguồn gốc đất và không hưởng lợi gì từ việc xác nhận cho hộ bà Chạm. Đến khi cơ quan điều tra cho rằng việc hỗ trợ cho bà Chạm là sai quy định thì bị cáo mới biết.
Ngoài ra, bị cáo Hưu còn khai, có giao cho cơ quan chức năng một cuốn sổ với nội dung ghi về ý kiến của hội đồng xét duyệt. Đồng thời, bị cáo còn ký văn bản báo cáo để gửi đến một số nơi, nhưng nội dung chi tiết văn bản là gì thì bị cáo không nhớ rõ.
Bị cáo Lê Sơn khai, năm 2013, 2014, bị cáo có góp tiền với bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa để mua đất đền bù thực hiện dự án trên của một số hộ dân. “Mục đích của bị cáo hùn tiền mua đất là để bán kiếm lời chứ không mua để làm dự án đền bù. Hơn nữa, lúc đó bị cáo chỉ hùn tiền mua đất chứ không biết chủ sở hữu sử dụng đất là ai và vị trí đất nằm ở chỗ nào. Khi đưa ra hội đồng xét duyệt, bị cáo không có ý kiến gì trong cuộc họp vì không biết được người nào đứng tên ở phương án nào và không biết đất này được đưa ra xét duyệt hội đồng khi nào”.
Bên cạnh đó, cáo Lê Sơn còn khai, trong số tiền đã chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, bị cáo này đã khắc phục được 50 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa khai, năm 2013, 2014, bị cáo được Lê Sơn nhờ mua đất giúp. Sau đó, Lê Sơn nói đất này thuộc diện được đền bù nên có nhờ bị cáo tìm người đứng tên hộ để lập hồ sợ nhận bồi thường, đền bù và hứa sẽ cho bị cáo tiền. Sau đó, bị cáo được Lê Sơn cho hơn 450 triệu đồng và đã sử dụng vào mục đích cá nhân, hiện đã khắc phục được 30 triệu đồng.
Riêng 6 bị cáo là 3 cặp vợ chồng người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được các cán bộ địa chính của xã Cư Elang nhờ đứng tên trên hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ đều thừa nhận hành vi của mình. Sau khi nhận tiền từ các cán bộ địa chính, các hộ này cho biết, hiện đã tiêu xài hết và không có tiền để trả lại…
Hôm nay, 27/1, phiên tòa tiếp tục diễn ra.