Cà Mau: Người phụ nữ mất trắng tiền tiết kiệm từ cuộc điện thoại lạ

Admin
Làm theo hướng dẫn từ cuộc điện thoại của người lạ mặt, người phụ nữ ở tỉnh Cà Mau mất trắng số tiền tiết kiệm 140 triệu đồng.

Ngày 1/12, một lãnh đạo Công an phường 5, Tp.Cà Mau, tỉnh Cà Mau xác nhận đã tiếp nhận đơn trình báo của bàn Nguyễn Tuyết Hồng, ở khóm 6, phường 5, Tp.Cà Mau về việc bà bị lừa gạt hết số tiền tiết kiệm từ cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là nhân viên bưu điện.

Theo đơn tố giác của bà Hồng, vào ngày 8/11, bà Hồng có nhận một cuộc điện thoại của người lạ xưng là nhân viên bưu điện nói bà nợ tiền điện hơn 58 triệu đồng và đang chuyển Công an Tp.Hồ Chí Minh điều tra.

Sau đó, người này đã kết nối máy với của người tự xưng là Thiếu uý Tân, mã số 3894xx đội đặc nhiệm Công an Tp.Hồ Chí Minh. Người này hỏi bà nhiều vấn đề như có xe, đất, nhà cửa, tiền gửi tiết kiệm,…hay không?. Bà Hồng trả lời là có tiền tiết kiệm.

Một lúc sau, người này báo số tiền gửi của bà có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu bà rút số tiền đó ra chuyển về số thẻ 12910000428803 tên Hoàng Khánh Châu. Sau khi chuyển tiền nếu kiểm tra không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển tra lại ngay.

Tuy nhiên, sau đó bà không liên lạc được với các số điện thoại trên. Nhận thấy mình bị lừa gạt, bà Hồng đã đệ đơn tố giác gửi công an địa phương để can thiệp xử lý. Ngoài ra, bà Hồng cũng cung cấp cho công an các số điện thoại đã gọi cho bà.

“Tin lời họ tôi đã đi rút tiền gửi và chuyển cho họ 140 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền cho đến nay tôi không thấy họ chuyển trả lại và không liên lạc với được nhóm người này”, bà Hồng nêu trong đơn.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt cũng xuất hiện rất nhiều, với các thủ đoạn.

Theo luật sư Tuấn, hành vi của các đối tượng này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Tuấn phân tích, theo quy định của pháp luật, các cơ quan pháp luật không được phép làm việc qua điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân như trường hợp của bà Hồng (nêu trên).

"Khi cần xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án, các hành vi phạm tội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập công dân đến làm việc tại trụ sở cơ quan theo quy định. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những cuộc gọi có nội dung thông tin tương tự, người dân cần bình tĩnh, không sợ hãi mà sập bẫy của những kẻ lừa đảo", luật sư Tuấn chia sẻ.