Cần khởi tố người làm giả văn bản cho nghỉ học phòng dịch covid-19

Admin
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín cho rằng cần thiết khởi tố người làm giả văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam cho học sinh nghỉ học để phòng dịch.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam, văn bản ban hành vào ngày 21/2/2021 về việc cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, từ ngày 21/2 đến hết ngày 21/3/2021, để phòng chống dịch covid-19 do ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký.

Hồ sơ điều tra - Cần khởi tố người làm giả văn bản cho nghỉ học phòng dịch covid-19

Văn bản giả mạo cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên đến trưa cùng ngày, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, văn bản cho học sinh nghỉ đến hết ngày 21/3 là giả mạo. Hiện nay vụ việc đang được giao cho Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở TT-TT tỉnh làm rõ sự việc, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho học sinh nghỉ học đến ngày 21/2. Trong văn bản này, tỉnh Quảng Nam cho phép trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, sinh viên, học viên Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh được tiếp tục nghỉ học sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 17- 21/2, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chứ không phải nghỉ đến hết ngày 21/3 như trong văn bản giả mạo nêu.

Trước sự việc này, thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, lực lượng chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ người làm giả mạo văn bản UBND tỉnh. “Chúng tôi đang điều tra tìm người làm giả văn bản, để có các biên pháp xử lý theo quy định của pháp luật”, Thiếu tướng Dũng nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đưa ra quan điểm là cần khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội Tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, được quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 để tránh bỏ lọt tội phạm.

Hồ sơ điều tra - Cần khởi tố người làm giả văn bản cho nghỉ học phòng dịch covid-19 (Hình 2).

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín.

Theo luật sư Hiền phân tích: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành cơ bản của tội này. Tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành.

Tuy nhiên, hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Việc xác định hậu quả do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết.

Vì nếu đối tượng sử dụng tài liệu giả nhằm thực hiện tội phạm hoặc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể chịu khung hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù (theo điểm b, khoản 3 Điều 341 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Việc xuất hiện văn bản giả mạo, nhiều người dân vô tình sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình đăng tải hình ảnh công văn giả mạo về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học, làm lan truyền trên mạng xã hội, nhiều tài khoản mạng xã hội khác cũng đăng tải văn bản này gây nhiễu loạn thông tin.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Phước đã lập bên bản vi phạm hành chính và đề nghị xử phạt số tiền 10 triệu đồng đối với bà Đ.T.T.A (39 tuổi, ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) vì đăng công văn giả mạo Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho học sinh nghỉ học đến ngày 14/3.

Sau khi bài viết đăng tải, nhận thấy đây không phải là công văn của sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nội dung sai sự thật nên bà Đ.T.T.A đã tiến hành gỡ bỏ bài viết. Bà Đ.T.T.A có tìm lại nguồn Facebook mà mình đã lấy nội dung công văn giả mạo trên, tuy nhiên không tìm thấy tài khoản này.

Trước hậu quả nghiêm trọng nêu trên, luật sư Hiền cho rằng, cơ quan điều tra cần xác định rõ đối tượng có hành vi giả mạo giấy tờ trên và hậu quả của hành vi này để xác định cụ thể về khung hình phạt, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), thì:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…