Ghi nhận của nhóm PV cho thấy, đang có một diện tích rộng lớn đất nông nghiệp trên địa bàn huyện được khai thác đá ồ ạt. Đặc biệt, tại thị trấn Kong Chro và xã Kong Yang có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở tụ hội về đây để khai thác, chế biến đá Bazan… gây ô nhiễm môi trường.
Dọc trục đường đất (song song với đường huyện) là hàng loạt cơ sở, công ty sản xuất chế biến đá, như: Công ty TNHH Đào Kỳ; cơ sở sản xuất Đá Hoàng Hùng; công ty TNHH MTV Đá Minh Trung; công ty Hải Lai, Hùng Nguyễn… đang khai thác trên diện rộng, quy mô lớn.
Điều đáng nói, việc khai thác, chế biến đá này cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rõ nét là việc xay, chẻ đá tạo ra tiếng ồn, khói bay mù mịt. Kế đó, nhóm PV ghi nhận lượng phương tiện quá khổ, quá tải, độ chế… không đảm bảo an toàn, chở đá trông rất nguy hiểm.
Tình trạng xe phương tiện vận chuyển không đảm bảo kỹ thuật, không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự - an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Quốc Định, Chủ tịch UBND xã Kong Yang cho biết: “Thời gian qua, UBND xã thường xuyên phối hợp với phòng Tài nguyên – Môi trường huyện thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý. Như mới đây, đoàn đã tiến hành kiểm tra và phát hiện sai phạm, tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số cơ sở, doanh nghiệp”.
Ông Định cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, riêng UBND xã cũng đã xử phạt một vài trường hợp và đã báo cáo UBND huyện. Như gần đây nhất, UBND xã đã tham mưu UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty TNHH Đào Kỳ”.
Đối với xe quá khổ, quá tải, độ chế… không đảm bảo an toàn, thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo cho lực lượng công an phối hợp với lực lượng CSGT huyện cũng tiến hành tuần tra, xử lý. Tới đây, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý các nội dung nêu trên”.
Về vấn đề này, nhóm PV cũng liên hệ làm việc với sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai cũng như UBND huyện Kong Chro, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.