Chiều 3/2, tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị với những trường hợp xét nghiệm có dương tính thì cần công bố công khai trên trang thông tin của sở Y tế Hà Nội. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí thông tin tới người dân.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết trong 21 ca bệnh của Hà Nội thì có đến 20 ca xuất phát từ Hải Dương, 1 ca từ Quảng Ninh. Về cơ bản Thành phố đã xác định được chuỗi lây bệnh, nếu tiếp tục sẽ xử lý truy vết tốt. Tuy nhiên ông Dũng cũng nhắc lại chủng mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, từ khi tiếp xúc đến khởi bệnh rất ngắn nên mọi thứ "không dễ dàng".
Trước tình hình trên, ông Dũng mong muốn Thành phố tiếp tục thực hiện tốt hơn cho công tác phòng chống dịch. Trong thời gian qua, CDC Hà Nội đã có chuyển biến tích cực trong việc xét nghiệm với sự vào cuộc của 10 bệnh viện trực thuộc sở Y tế.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị tiếp tục truy vết để khoanh vùng, xét nghiệm. Việc này phải đẩy nhanh hơn, từ khi phát hiện F0 thì tối đa trong vòng 4 tiếng mẫu xét nghiệm của F1 phải chuyển về CDC Hà Nội. 6 tiếng sau CDC phải trả kết quả xét nghiệm. CDC và các địa phương phải tự giám sát lẫn nhau để đảm bảo thời gian. Bên cạnh đó, các địa phương phải thông tin đầy đủ, tránh gây hoang mang cho người dân.
Ông Dũng đề nghị công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Trong đó thực hiện 5K. Ông Dũng hoan nghênh các địa phương đã thực hiện tốt việc này từ hôm qua (2/2).
"Mặc dù đây là công việc không ai mong muốn nhưng một số người dân ý thức chưa tốt nên phải xử lý. Với những trường hợp xử phạt cũng cần có thông tin ngay về danh tính, địa chỉ, cơ quan làm việc. Các địa phương phải thống kê kết quả xử phạt hàng ngày về Ban Chỉ đạo" - ông Dũng yêu cầu.
Với đề xuất của sở Giao thông Vận tải, ông Dũng chấp thuận việc không vận chuyển quá 50% hành khách đi xe buýt, mối xe không quá 20 người.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị xử phạt quán karaoke, quán bar, vũ trường, quán game không tuân thủ quy định của Thành phố. Các địa phương phải yêu cầu các nhà hàng này ký cam kết để tăng cường phòng dịch, tăng cường giám sát cộng đồng.
Về công tác thông tin tuyên truyền, ông Dũng đề nghị nâng cao hơn mức cảnh báo nguy hại để người dân đề phòng để các đơn vị và người dân thực hiện. Việc thông tin cũng cần kịp thời bởi nếu F1 âm tính thì F2 sẽ được giải phóng, người dân có thể không phải cách ly nữa.
Hà Nội sẽ triển khai xét nghiệm trên diện rộng, xét nghiệm F2, đặc biệt là những vùng tổ chức cách ly, cụm dân cư có nguy cơ. Việc này cần được triển khai sớm. Với các vật tư xét nghiệm, ông Dũng đề nghị các đơn vị chủ động, kể cả công tác vận chuyển. Bởi các đơn vị phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ, các quận huyện có thể chi viện, giúp đỡ lẫn nhau.
Về vấn đề cách ly, ông Dũng yêu cầu cách ly toàn bộ F1, F2 phải truy vết và cách ly tại nhà, có sự giám sát của địa phương. Việc này để khi có vấn đề gì xảy ra các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm. Quy trình phong tỏa phải rõ, không để phong tỏa rộng nhưng bên trong lại lỏng lẻo.
Theo Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, cần xem xét các trường hợp để phong tỏa. Với trường hợp bệnh nhân ở Cầu Giấy chỉ đưa người bệnh đi cách ly, còn lại lấy mẫu xét nghiệm cho người ở trong tòa nhà chứ không cách ly, phong tỏa toàn bộ.
Ông Hiền cho biết, đối với các khu chung cư, khi xuất hiện trường hợp nào thì cần khoanh vùng lại. Sau đó lực lượng an ninh trích xuất camera để xem lại toàn bộ việc chấp hành của khu chung cư trong công tác phòng dịch, khử khuẩn, vệ sinh chung cư, ý thức của cư dân để quyết định có phong tỏa không.