Sáng nay (19/1), một số trang Fanpage trên mạng xã hội truyền nhau thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bệnh ung thư vòm họng gây xôn xao dư luận. Ngay sau khi thông tin này bị lan truyền, chính tác giả “Sao em nỡ vội lấy chồng” đã phải lên tiếng phủ nhận. Ông xác nhận, đây là tin đồn ác ý và bản thân vẫn đang khỏe mạnh. “Tôi hy vọng mọi người chọn lọc thông tin và tiếp nhận một cách chính xác", nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Ít phút sau, Diva Trần Thu Hà cũng đăng tải dòng trạng thái bức xúc lên trang cá nhân: "Bố Tiến vẫn khoẻ mạnh. Sáng nay, cả gia đình Hà rất bất ngờ với rất nhiều điện thoại tin nhắn về tình hình sức khoẻ của Nhạc sĩ Trần Tiến. Tin đồn không căn cứ và kiểm chứng khiến vợ chồng nhạc sĩ, các con, cháu trong gia đình ngạc nhiên, sốc và phiền lòng".
Đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh đang sống mà bị đồn… chết. Danh hài Hoài Linh, Chí Trung, Thuý Nga, ca sĩ Khánh Ly,… không ít lần bị “khai tử” trên mạng xã hội. Đối mặt tin đồn này, người chỉ cười xoà cho qua, người lên mạng xã hội đính chính.
Trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Nhạc sĩ Trần Tiến là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng rộng, nên những thông tin về ông sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Do đó, việc tung tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời trong khi ông vẫn đang khỏe mạnh, rất dễ gây hoang mang dư luận và làm tổn hại trực tiếp đến cuộc sống và tinh thần của ông”.
Theo luật sư Vinh, kẻ có hành vi truyền tải thông tin sai sự thật về nhạc sĩ Trần Tiến (nếu xác định được) có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, theo Điều 101, Khoản 1, Nghị định 15/2020. “Trong trường hợp này, nhạc sĩ Trần Tiến có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) tại tòa án có thẩm quyền”, vị luật sư này nói.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cũng nhấn mạnh, đối với người dùng internet, mạng xã hội, khi tiếp cận thông tin cần hết sức tỉnh táo trước những tin bịa đặt, sai sự thật lan truyền trên mạng. “Hiện nay, tin giả đầy rẫy trên mạng xã hội nếu. Nếu không tinh ý là rất dễ rơi vào “bẫy” của những kẻ tung tin thất thiệt. Vậy nên, người dùng mạng xã hội nên căn cứ vào các kênh chính thống để nắm bắt thông tin một cách chính xác. Đồng thời, cần hết sức cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật lên mạng xã hội, tránh gây hoang mang dư luận, tạo ảnh hưởng xấu đến xã hội”.