Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý

Admin
Sau khi phản ánh thông tin về các mỏ đá trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã vào cuộc xử lý.

Năm đơn vị khai thác trên quy mô hơn 20ha

Ngày 10/5, Người Đưa Tin Pháp luật có bài viết: “Gia Lai: Cận cảnh mỏ đá khổng lồ gây ô nhiễm môi trường”. Nội dung phản ánh về hoạt động khai thác, chế biến đá Bazan gây ô nhiễm môi trường… trên địa bàn huyện Kông Chro.

Mới đây, UBND huyện Kông Chro đã có thông tin phản hồi cho PV về tình trạng này.

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 2).

Các khu vực/mỏ khai thác đá được cấp phép tại các xã Kông Yang, Yang Trung và thị trấn Kông Chro.

Theo thông tin mà UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cung cấp cho PV, hiện nay, trên địa bàn huyện Kông Chro có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai cấp 6 khu vực/mỏ khai thác đá bazan ốp lát, bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng diện tích đất mỏ hơn 20ha, tổng công suất 38.697m3.

Các khu vực/mỏ khai thác đá được cấp phép tại các xã Kông Yang, Yang Trung và thị trấn Kông Chro.

Ngoài ra, còn 3 doanh nghiệp đăng ký hoạt động chế biến đá xây dựng, với nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập đá nguyên khối từ các doanh nghiệp có chức năng khai thác.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Với trữ lượng lớn, hiện nay các khu vực/mỏ khai thác đá bazan trên địa bàn huyện tập trung tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Kông Chro và xã Kông Yang.

Ba doanh nghiệp được cấp chứng nhận chế biến đá xây dựng thông thường ở gần đó để tiện cho việc thu mua nguyên liệu, vận chuyển đưa vào sản xuất nên đã tạo thành một khu vực tập trung khai thác, chế biến đá xây dựng”.

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 3).

Có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai cấp 6 khu vực/mỏ khai thác đá bazan ốp lát, bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng diện tích đất mỏ hơn 20ha.

Cũng theo lãnh đạo huyện, trước khi cấp giấy phép, từng dự án đã được các Sở, ngành tỉnh thẩm định đạt và đủ các điều kiện như: Địa điểm, trữ lượng, kế hoạch hoạt động khai thác, đặc biệt là phương án bảo vệ môi trường.

“Với tinh thần đó, trong quá trình hoạt động bắt buộc các chủ dự án chấp hành nghiêm các quy định về khai thác mỏ, vận chuyển... và môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm của mình, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu hàng tháng, các xã, thị trấn báo cáo tình hình quản lý tài nguyên khoáng sản để tổng hợp, theo dõi và kiểm tra đôn đốc.

Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Kông Chro thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tham mưu xử lý kịp thời những hành vi vi phạm”, ông Ẩn cho hay.

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 4).

Công ty TNHH MTV thương mại Trung Tuấn Gia Lai từng bị xử phạt.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của công ty TNHH Đào Kỳ; công ty TNHH Quang Hùng; công ty TNHH MTV đá Minh Trung; cơ sở sản xuất đá Hoàng Hùng.

Lần gần nhất vào ngày 26/4, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với UBND huyện kiểm tra đột xuất đối với 4 đơn vị (trong đó có công ty TNHH MTV thương mại Trung Tuấn Gia Lai, cơ sở sản xuất đá xây dựng Hoàng Hùng).

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 5).

Công ty TNHH Đào Kỳ cũng bị xử phạt.

Ông Ẩn cho biết: “Tại các thời điểm kiểm tra, bên cạnh việc chấp hành nghiêm các qui định về khai thác, chế biến đá như: Khai thác đúng vị trí/mỏ được cấp phép... đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường như: Quy định về Giám đốc điều hành mỏ, sử dụng đất nông nghiệp làm bãi chứa, chưa trang bị hệ thống phun sương để giảm thiểu bụi trong quá trình chế biến đá, chưa tiến hành trồng cây xanh xung quanh khu vực chế biến.

UBND huyện Kông Chro đã ban hành 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai và tiếp tục xem xét xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tạm dừng các hoạt động và khắc phục hậu quả đến khi đủ các điều kiện về khai thác, chế biến và môi trường”.

Khai thác chui

Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro khẳng định: “Qua thông tin của PV cung cấp và tình hình thực tế ở địa phương được biết hoạt động lén lút khai thác đá trái phép, chế biến, vận chuyển đá bazan gây tiếng ồn, khói bụi có xảy ra.

Thực tế những năm trước đây, UBND huyện Kông Chro đã xử phạt một số tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tiếp thu thông tin này, để chấm dứt các hành vi vi phạm nêu trên, UBND huyện Kông Chro sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn định kỳ và đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 6).

"Hoạt động lén lút khai thác đá trái phép, chế biến, vận chuyển đá bazan gây tiếng ồn, khói bụi có xảy ra".

"Về lượng phương tiện quá khổ, quá tải, độ chế... không đảm bảo an toàn, chở đá phóng nhanh vượt ẩu... cũng như tình trạng xe phương tiện vận chuyển không đảm bảo kỹ thuật, không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện, ông Ẩn cho hay: “Qua kiểm tra, xác minh ghi nhận phương tiện vận chuyển đá của một số doanh nghiệp sử dụng để vận chuyển đá nội bộ (từ khu vực/mỏ khai thác đến nhà máy chế biến) không đảm bảo an toàn giao thông như trên đã nêu.

UBND huyện Kông Chro trong thời gian qua đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm. Trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời làm việc với các công ty, chủ cơ sở yêu cầu chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng trên, hoàn thiện các hồ sơ, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật", lãnh đạo huyện Kông Chro cho hay.

Môi trường - Khai thác đá tại Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý (Hình 7).

"Xe khủng" vào công ty TNHH Đào Kỳ.

“UBND huyện Kông Chro xin cảm ơn Quý Tạp chí đã đồng hành cùng với huyện trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, nhất là việc cung cấp các thông tin trên để UBND huyện nắm bắt và chỉ đạo kịp thời”, ông Ẩn chia sẻ.