hời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin liên quan đến việc rau không đảm bảo nguồn gốc được lưu hành trên các kệ hàng của các chi nhánh siêu thị lớn dưới "vỏ bọv" VietGap. Điều này tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng khi không biết đâu là sản phẩm an toàn, không chỉ riêng đối với rau xanh mà còn đối với các thực phẩm khác.
Sử dụng tem mác, mã vạch giả mạo chính là hành vi lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cũng chính là mặt xấu của các sản phẩm rau xanh hiện nay trên thị trường.
"Không biết đâu là rau sạch"
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thu Phương (Thanh Xuân), một người có thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật cho biết: “Tôi cảm thấy rất an toàn khi mình có thể kiểm tra được nguồn gốc rau xanh hữu cơ, rau sạch tại các siêu thị thông qua mã vạch truy xuất nguồn gốc. Ngoài các chứng nhận, quy chuẩn được đảm bảo trên bao bì, các sản phẩm trước khi được bày bán sẽ phải trải qua khâu giám sát và kiểm tra của siêu thị.
Chính vì vậy, khi người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm thông qua tem mã vạch thêm một lần nữa thì tôi nghĩ chất lượng sẽ rất được đảm bảo. Do vậy, nhiều khi tôi sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để mua được những sản phẩm được đảm bảo như vậy”.
Niềm tin vững chắc là vậy nhưng khi được trao đổi về thực tế rau “bẩn” đội lốt rau tại một số siêu thị hiện nay, chị Phương tỏ ra rất hoang mang và bức xúc vì không biết đâu mới thực sự là rau sạch. Theo chị Phương, việc này không khác gì lừa gạt lòng tin gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như sự thiếu trách nhiệm trong khâu quản lý sản phẩm của các siêu thị.
Kiểm tra sản phẩm thông qua mã vạch là điều mà nhiều người tiêu dùng đang sử dụng. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cùng quan điểm với chị Phương, anh Lê Mạnh Quốc (Cầu Giấy) chia sẻ: “Thực ra mình có biết thông tin này trong mấy ngày gần đây. Mình khá bất ngờ vì mình nghĩ rằng đã là rau trong siêu thị thì phải được kiểm định chất lượng và lâu nay mình chọn tin siêu thị”.
Trao đổi về vấn đề phân biệt rau sạch hữu cơ với các sản phẩm rau khác trên thị trường, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu phân biệt bằng mắt thường, người mua chỉ có thể nhận biết thông qua việc quét mã vạch truy xuất nguồn gốc và tem mác trên bao bì sản phẩm. Để được cấp mã vạch sản phẩm, hợp tác xã phải là thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ. Sau đó, mã vạch này sẽ được cung cấp liên tục, dán trên từng sản phẩm đóng gói và chỉ được sử dụng một lần, không có giá trị sử dụng lại”.
Đại diện hợp tác xã chia sẻ thêm, trong trường hợp các sản phẩm rau hữu cơ tại cơ sở bị thu hồi lại do dập nát trong quá trình vận chuyển, mã vạch sẽ ngay lập tức bị hủy trên hệ thống. Việc này được thực hiện thông qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại của các nông dân cũng như người quản lý của cơ sở.
Nếu các sản phẩm rau hữu cơ tại cơ sở bị thu hồi, mã vạch sẽ trực tiếp bị hủy. (Ảnh minh họa)
Lời khuyên đến từ chuyên gia
Trước những thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia Công nghệ thực phẩm khẳng định rằng: “Không thể phân biệt hoàn toàn giữa rau sạch với rau không sạch, tất cả chỉ có thể dựa vào cảm quan bên ngoài. Còn việc thực chất rau có sạch hay không nó lại ẩn bên trong. Chính vì thế, chúng ta sẽ chỉ có thể biết là hình thức rau bên ngoài như thế nào chứ không thể biết được chất lượng bên trong đó ra sao”.
“Hiện nay, việc ứng dụng mã vạch trong sản phẩm là sự tiến bộ rất lớn trong vấn đề thương mại của Việt Nam. Điều này giúp việc buôn bán, giá cả trở nên tiện lợi, rõ ràng và chuẩn mực. Và quan trọng trong mã vạch có thông tin về xuất xứ”, ông Thịnh chia sẻ thêm.
Chuyện giả mạo mã vạch là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh, mã vạch giả rất dễ bị phát hiện nếu cơ quan chức năng làm chặt. Sai phạm có thể bị phát hiện thông qua kiểm tra mã vạch, đối chiếu địa chỉ sản xuất trên mã vạch với địa chỉ phân phối hàng hóa cho cơ sở buôn bán. Trong trường hợp khi kiểm tra phát hiện cơ sở buôn bán có hành vi không trung thực, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt thật nặng, như vậy các cơ sở buôn bán, cửa hàng, siêu thị như vậy họ sẽ không dám vi phạm.
Người tiêu dùng có thể trực tiếp giám sát, kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm. (Ảnh: Hữu Thắng)
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc phát hiện rau không an toàn tại một số cơ sở siêu thị đã gây ra hoang mang lớn đối với người tiêu dùng, ông Thịnh cho biết đây chính là lỗ hổng trong khâu quản lý, cần nghiêm chỉnh kiểm tra chặt chẽ, vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe của con người.
Đồng thời, theo ông Thịnh, các cơ quan chức năng nên củng cố niềm tin đối với người dân thông qua việc tích cực giám sát từ quá trình sản xuất cũng như việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật đến khâu phân phối sản phẩm. Song song với đó là tích cực thúc đẩy mở rộng mô hình sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, nông nghiệp hữu cơ tại cơ sở trồng trọt. Điều này sẽ giúp người dân an tâm, không hoang mang, giảm nghi ngờ đối với thực phẩm mà mình đang sử dụng mỗi ngày.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ thêm rằng, mỗi người dân, người tiêu dùng có thể trực tiếp là người giám sát, kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm thực phẩm thông qua việc tận dụng tối đa các phần mềm tra cứu, quét mã ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đã được tích hợp trên điện thoại để phần nào kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm.