Mức án nào dành cho 6 dân nghèo "bắt tay" cán bộ phạm pháp?

Admin
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt 6 bị cáo vốn là dân nghèo mức án từ 4 đến 6 năm tù vì “bắt tay” với nhiều cán bộ trục lợi trong dự án nghìn tỷ.

Hành vi phạm tội rất nghiêm trọng

Ngày 27/1, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy tại dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk).

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo. Đại diện VKS khẳng định, bị cáo Đỗ Văn Hưu, Lê Thành Nguyên, Hoàng Trọng Nghĩa, Lê Sơn, Y Thoai Byă, H’Blút Niê, Y Wem Byă, H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă là những người có đầy đủ nhận thức và khả năng điều khiển được hành vi của bản thân.

Trong đó, các bị cáo Hưu, Nguyên, Nghĩa, Sơn là những cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã Cư Elang nắm rõ được nguồn gốc đất thuộc xã quản lý, các chế độ chính sách khi Nhà nước thu hồi và thực hiện các chế độ bồi thường cho các đối tượng bị thu hồi đất để phục vụ các dự án công.

Hồ sơ điều tra - Mức án nào dành cho 6 dân nghèo 'bắt tay' cán bộ phạm pháp?

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tuy nhiên, các bị cáo Nguyên, Nghĩa, Sơn đã lợi dụng chủ trương thu hồi đất trên địa bàn do mình quản lý và lập hồ sơ bồi thường, mua đất, rồi nhờ các hộ người đồng bào dân tộc có điều kiện kinh tế khó khăn đứng tên trong hồ sơ bồi thường, hỗ trợ để được Nhà nước chi trả chế độ bồi thường nhằm chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước.

Bị cáo Hưu là Chủ tịch UBND xã, là người có trách nhiệm đại diện cho chính quyền địa phương xã xác nhận về nguồn gốc đất, tình trạng sử dụng đất của các hộ dân thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ và xác nhận không đúng đối tượng của 1 trường hợp đó là hộ bà Trần Thị Chạm dẫn đến Nhà nước chi trả sai đối tượng.

Đồng thời, bị cáo đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ địa chính khi lập hồ sơ xác nhận về nguồn gốc đất và quá trình sở hữu sử dụng đất của các hộ thuộc điện được bồi thường, hỗ trợ dẫn đến xác nhận sai đối tượng, gây thiệt hại về tiền cho ngân sách Nhà nước.

Các bị cáo Y Thoai Byă, H’Blút Niê, Y Wem Byă, H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă là những người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp, có người không được đi học, không biết tiếng phổ thông, làm ăn sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bản thân các bị cáo đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Về nhận thức pháp luật, có một phần hạn chế nhất định.

Bị cáo Y Wem trong quá trình điều tra vụ án có những biểu hiện không chuẩn mực. Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định tâm thần pháp y và xác nhận bị cáo có hạn chế về mặt nhận thức.

Do vậy, khi được các bị cáo Nguyên, Nghĩa là cán bộ địa chính của UBND xã nhờ đứng tên trên các hồ sơ nhận tiền bồi thường và hứa hẹn cho tiền nên vì cái lợi trước mắt mà các bị cáo đã trở thành đồng phạm giúp sức.

Hồ sơ điều tra - Mức án nào dành cho 6 dân nghèo 'bắt tay' cán bộ phạm pháp? (Hình 2).

Đại diện VKS trình bày bản luận tội.

Đại diện VKS nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình trọng điểm của huyện, tỉnh và niềm tin của nhân dân đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước khi thực hiện các công trình thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án lớn có chủ trương của Nhà nước.

Xét tính chất mức độ và hậu quả của các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, VKS cho rằng, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Theo VKS, cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài, có như vậy mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo đối với các bị cáo để sớm trở thành những công dân chấp hành đúng pháp luật và là bài học cho những ai đang có ý định trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước bằng các hình thức và thủ đoạn tương tự.

Cũng theo đại diện VKS, trong quá trình điều tra vụ án, cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã khai báo cơ bản rõ ràng. Riêng bị cáo Lê Sơn, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa có thái độ không thành khẩn khai báo trung thực...

Từ những phân tích nêu trên, đại diện VKS khẳng định, cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk truy tố đối với các bị cáo nói trên là hoàn toàn có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Văn Hưu từ 6 đến 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và từ 5 đến 6 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ theo các quy định, buộc bị cáo phải chấp hành cả hai tội, với mức án từ 11 đến 13 năm tù.

Đề nghị xử phạt bị cáo Lê Thành Nguyên từ 10 từ 11 năm tù; bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa từ 10 đến 11 năm tù; bị cáo Lê Sơn từ 11 đến 12 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo Y Thoai Byă, H’Blút Niê, H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă mỗi bị cáo từ 5 đến 6 năm tù và bị cáo Y Wem Byă từ 4 đến 5 năm tù.

Nguyên Chủ tịch xã đã làm hết trách nhiệm?

Không đồng ý với quan điểm của đại diện VKS, luật sư Hồ Quang Khánh, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Hưu cho rằng, việc đại diện VKS cho rằng tại lần xét duyệt ngày 21/9/2016, bị cáo Hưu biết rõ bà Trần Thị Chạm không canh tác mà vẫn xác nhận là hoàn toàn không có căn cứ. Vì tại lần xét duyệt này, bị cáo chỉ xét duyệt cho bà Chạm về nguồn gốc đất, không xác nhận cho bà Chạm về việc trực tiếp canh tác trên đất. Và lần xét duyệt này là hoàn toàn đúng quy định.

Để xác nhận bà Chạm có phải là người trực tiếp canh tác đất nông nghiệp hay không, sau lần xét duyệt về nguồn gốc đất trên, bị cáo Hưu đã thực hiện đầy đủ các việc: Xác minh thông tin tại thực địa; Hỏi ông Nghĩa có canh tác không và được ông Nghĩa trả lời là không canh tác; Mời ông Nghĩa và bà Chạm đối chất và lập bản cam kết có nội dung bà Chạm là người canh tác trên đất.

Đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch huyện và đã được thông qua chủ trương xét duyệt canh tác đất cho bà Chạm. Điều này thể hiện, bị cáo Hưu và hội đồng xét duyệt đã thực hiện đúng quy trình và hết trách nhiệm của mình, hoàn toàn không có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ...

Hồ sơ điều tra - Mức án nào dành cho 6 dân nghèo 'bắt tay' cán bộ phạm pháp? (Hình 3).

Bị cáo H’Nút Byă tại phiên tòa.

“Nghiêm trọng hơn, cáo trạng còn quy kết bị cáo Hưu đã góp tiền cùng các cán bộ địa chính để mua đất nhờ các hộ đồng bào đứng tên. Không rõ đại diện VKS lấy đâu ra thông tin bị cáo Hưu góp tiền mua đất để đưa vào cáo trạng nhằm buộc tội bị cáo?.

Trong khi toàn bộ hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào ghi nhận điều này và thực tế rõ ràng, bị cáo Hưu không hề có hành vi góp tiền mua đất cùng các cán bộ địa chính như cáo trạng quy kết”, luật sư Khánh nói.

Cũng theo luật sư Khánh, xét tổng thể dự án, việc xác nhận nguồn gốc đất, quá trình canh tác trên đất là nhiệm vụ của UBND xã.

Tuy nhiên việc đo đạc, kiểm kê, xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thuộc thẩm quyền của UBND xã mà thuộc trách nhiệm của ban quản lý dự án, trung tâm phát triển quỹ đất, phòng tài nguyên môi trường và UBND huyện Ea Kar.

Để các sai phạm trên xảy ra, không thể chỉ quy trách nhiệm cho riêng UBND xã Cư Elang được...

Hồ sơ điều tra - Mức án nào dành cho 6 dân nghèo 'bắt tay' cán bộ phạm pháp? (Hình 4).

Luật sư Hồ Quang Khánh cho rằng, bị cáo Hưu không có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Như đã đưa tin, ngày 26/1 TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy tại dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk).

Các bị cáo gồm: Đỗ Văn Hưu (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984), Lê Thành Nguyên (SN 1983); Lê Sơn (SN 1985, đều nguyên là cán bộ địa chính xã Cư Elang) bị truy tố Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hồ sơ điều tra - Mức án nào dành cho 6 dân nghèo 'bắt tay' cán bộ phạm pháp? (Hình 5).

Bị cáo Đỗ Văn Hưu. 

Ngoài ra, còn có 6 bị cáo là 3 cặp vợ chồng gồm: Y Thoai Byă (SN 1962), H’Blút Niê (SN 1967), Y Wem Byă (SN 1971), H’Nĩ Niê (SN 1965), Y Thiên Ktla (SN 1962) và H’Nút Byă (SN 1965), cùng trú xã Cư Elang cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ thực hiện hành vi phạm tội.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.