Ngư dân Bình Thuận được cứu sống kể về chuyến biển ám ảnh

Lợi Trần
Chiều 21/7, sau khi được tàu cảnh sát biển 7011 đưa về đến đất liền, các ngư dân của tàu cá BTh 97478-TS vẫn chưa hết bàng hoàng sau chuyến biển ám ảnh.

Ông Trần Theo, sinh năm 1967, trú tại khu phố 6, phường Phú Tài, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, một trong 4 ngư dân may mắn sống sót cho biết, trên tàu có 15 thuyền viên do ông Bùi Văn Toàn, sinh năm 1972, quê Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm thuyền trưởng.

Tàu xuất bến Tp.Phan Thiết ra vùng biển Trường Sa đánh cá từ 21/6. Đến hôm 10/7, trên đường trở về bờ, cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý thì tàu gặp nạn, bị sóng đánh chìm.

Các thành viên trên tàu nhảy xuống 2 thuyền thúng để thoát thân, một thúng 8 người và một thúng 7 người. Ông Theo lên thuyền thúng có 7 người.

“May mắn còn có thuyền thúng để chúng tôi bám vào đó với hi vọng có tàu đi ngang qua cứu. Nhưng suốt 9 ngày lênh đênh trên biển, 3 bạn thuyền khác kiệt sức, lần lượt tử vong. Chúng tôi đã băng bó, cột thi thể anh em lại. Dù không muốn nhưng đành tiễn các anh em xuống biển”, ông Theo ngậm ngùi kể.

Trong khi đó, các thành viên còn lại trên thúng cố gắng cầm cự, uống nước biển, trời mưa thì hứng nước mưa để uống. Trôi dạt nhiều ngày trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, cùng với đói, khát, lạnh khiến nhiều người kiệt sức dần. Các thuyền viên phải tự động viên nhau và trấn tĩnh, cố gắng để vượt qua.

Sau 9 ngày lênh đênh, tưởng chừng như không còn hy vọng thì điều kỳ diệu đã đến, các ngư dân được tàu BĐ 96935-TS cứu vớt vào khoảng 13h ngày 19/7. “Nếu không gặp được tàu bạn, chúng tôi không biết số phận của mình sẽ thế nào”, ông Theo chia sẻ.

Ông Trần Theo kể lại chuyến biển ám ảnh.

Ngư dân Nguyễn Thành Luyến, sinh năm 1986, trú tại khu phố 4,Tp.Phan Thiết vừa khóc vừa kể lại câu chuyện đau lòng. Có lẽ, chuyến biển này sẽ mãi ám ảnh vì 3 người thân của anh trong chuyến biển đã chết, các bạn thuyền khác còn mất tích.

Ông Luyến cho biết khi gặp sự cố, tàu chìm rất nhanh nên toàn bộ lương thực đều nằm dưới biển. Các thuyền viên phải chia nhau ra 2 thúng rồi thả trôi. Lúc đầu mọi người còn cầm cự được. Tuy nhiên, những ngày sau đó các ngư dân bắt đầu đuối sức dần khi phải chống chọi với thời tiết xấu, những con sóng dữ.

Để có thể bám trụ tới khi được cứu, các thuyền viên đã liên tục dội nước vào mặt cho tỉnh táo và dùng chiếc xúc nhựa tát nước biển ra khỏi thúng. Khi thấy tàu lớn từ xa, các thành viên cố sức để la hét, ra tín hiệu mong được cứu giúp. Sau chuyến biển ám ảnh này, ông Luyến dự định nghỉ đi biển một thời gian.

Trong khi đó, ngư dân Hà Văn Tấn cho hay sau 27 năm đi biển, đây là lần đầu tiên trong đời gặp phải chuyện này. “Lúc gặp nạn chỉ mong và cầu nguyện tìm được tàu khác cứu giúp chứ không còn tâm trí để nghĩ gì đến chuyện khác”, ông Tấn cho hay.

Chuyến biển này sẽ còn ám ảnh ngư dân Nguyễn Thành Luyến vì ông có 3 người thân đã mất.

3 ngư dân này hiện tỉnh táo, sức khỏe ổn định. Riêng ông Trần Thuận Thanh, sinh năm 1968, trú tại khu phố 8, phường Đức Nghĩa, Tp.Phan Thiết sức khỏe yếu nên được chăm sóc y tế ngay khi về đến bờ.

Đại úy Lê Khánh Hải, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 7011 cho biết trong điều kiện thời tiết sóng gió lớn nhưng với tinh thần “cứu nhân dân như cứu bản thân mình”, ngay khi nhận được lệnh tìm kiếm cứu nạn thì tàu đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tàu.

Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng như tất cả các trang thiết bị và dùng vận tốc tốt nhất để di chuyển đến vị trí người bị nạn và tiến hành tìm kiếm ngư dân bị nạn.

Hiện nay, trên hiện trường các tàu và 2 máy bay vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn các ngư dân mất tích.

“Trong quá trình tìm kiếm một thời gian dài, chưa tìm kiếm được manh mối gì thì có tàu Bình Định báo thông tin, tôi rất vui. Khi nghe được lệnh cấp trên đã dùng vận tốc cao để đến nơi tàu Bình Định để xem tình hình và đón 4 ngư dân.

Lúc tiếp cận 3 ngư dân sức khỏe yếu và 1 người không đi lại được, nằm một chỗ. Trước tình hình đó, tàu đã cử quân y qua tàu Bình Định để thăm khám sức khỏe cho các ngư dân” – thuyền trưởng Hải cho hay.

Đại úy Lê Khánh Hải, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 7011.

Đại úy Lê Khánh Hải cho biết thêm, khi tàu cảnh sát biển muốn tiếp cận tàu cá Bình Định để chuyển ngư dân qua tàu chăm sóc nhưng do sóng gió lớn nên không thể thực hiện.

Vì vậy, tàu đi theo cùng tàu Bình Định, sau khoảng 15-20 tiếng đồng hồ, đến khi sóng gió êm tàu mới tiến hành chuyển ngư dân qua tàu cảnh sát biển.