Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ

Admin
Sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã thải một số lượng lớn lịch để bàn cũ ra ngoài môi trường. Những người trẻ đã “hô biến” lịch cũ thành bao lì xì độc đáo.

Dự án độc, lạ

Bao lì xì là một trong những món đồ không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Tận dụng những quyển lịch bàn từ năm trước bỏ đi, chị Nguyễn Thị Tình (29 tuổi, người sáng lập ra dự án I recycle) đã thành công khi lan tỏa “giá trị xanh”, thân thiện với môi trường. Nhìn những phong bao lì xì vừa bắt mắt, vừa ấn tượng, nhiều người sẽ không nghĩ đây là những bao lì xì được tái chế thủ công từ những tờ lịch cũ. Khi biết được “lai lịch” thực sự của những phong bao lì xì ấy, không ít người đã phải xuýt xoa, ngưỡng mộ sự khéo léo và sáng tạo của những người tạo ra chúng.

Chia sẻ về dự án I recycle, chị Nguyễn Thị Tình cho biết, hành trình đến với tái chế của mình là một sự tình cờ đầy sáng tạo. “Trước đây, I recycle thu gom lịch cũ, hỗ trợ tái chế thành sách cho người khiếm thị, nhưng hiện nay, lịch cũ đang dần chất lượng hơn, in tốt và dày hơn, không còn phù hợp làm sách chữ nổi.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ

Theo chị Tình, việc tái chế thủ công không chỉ giúp tuyên truyền môi trường mà còn tạo sân chơi sáng tạo.

Chính vì thế, tôi đã nảy ra ý tưởng tận dụng những hình ảnh đẹp của từng cuốn lịch để biến thành những phong bao lì xì xinh xắn, phù hợp với mọi đối tượng. Thời gian đầu huy động lịch cũ, mọi người cứ nghĩ là làm sách cho người khiếm thị, mà tôi lại không hướng đến như vậy. Do đó, tôi thường phải giải thích về dự án, về mục tiêu mà mình hướng đến” - chị Tình tâm sự.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 2).

Những công đoạn đầu tiên để tạo nên một chiếc lì xì từ lịch cũ.

Lan tỏa được lối sống xanh, ý nghĩa nhân văn tới cộng đồng, dự án được nhiều công ty quan tâm, đã tổ chức thu gom và liên hệ tặng lịch với số lượng lớn, một số công ty còn thu gom lịch của cả các chi nhánh từ tận Thanh Hóa, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh để gửi tặng.

Những ngày đầu, chị Tình cùng một số tình nguyện viên bắt đầu từ việc lan tỏa dự án đến với những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, kêu gọi mọi người tham gia quyên góp lịch để tạo ra những sản phẩm ý nghĩa, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 3).

Vừa qua, dự án I recycle đã thực hiện triển lãm và workshop tại Đại sứ quán Mỹ.

Đều đặn mỗi ngày, chị Tình dành 5 tiếng cùng các tình nguyện viên của dự án, “hô biến” lịch cũ thành những phong bao lì xì độc đáo, tạo một vòng đời mới cho quyển lịch để bàn của những năm trước vốn đã “hết đát”, vẽ tiếp hành trình tái chế và gieo mầm sống xanh.

Theo chị Tình, để tạo ra một bao lì xì từ lịch cũ rất đơn giản, nhưng làm bao lì xì đẹp thì cần hình và kích thước của lịch phải đẹp. Vì thế, những tờ lịch cũ sẽ phải trải qua 6 bước để “tái sinh” trong một hình dạng mới. Trước khi tái chế thành lì xì, tình nguyện viên sẽ phân công việc thu gom lịch cũ, phân loại lịch theo nội dung và chọn những lịch phù hợp để làm cho mỗi lứa tuổi: trẻ con cần lì xì rực rỡ sắc màu hoặc có hình hoạt hình ngộ nghĩnh; lì xì cho người lớn lại cần hình thanh lịch, sang trọng; còn người già có thể sẽ ưu tiên những kiểu hình tách trà, hoa sen,… Ngoài ra, chiều cao của lịch để làm lì xì phải từ 15-20cm, nếu lịch ngắn quá làm sẽ xấu và không hợp.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 4).

Triển lãm tái sinh.

Sau khi phân loại, những tờ lịch đó sẽ được tiến hành gấp và cắt theo mẫu lì xì có sẵn trên thị trường. Hiện tại, mỗi ngày, I recyle cho “ra lò” khoảng 400-500 chiếc lì xì đủ loại. Số tiền bán những phong bao lì xì này sẽ được gây quỹ để sử dụng cho những dự án tiếp theo.

Triển lãm tái chế tình nguyện hướng đến giáo dục di sản

Trong quá trình thực hiện các công việc, dự án về môi trường, chị Tình may mắn khi có gia đình luôn ở bên cạnh và ủng hộ: “Ngoài giúp trông con, chia sẻ việc nhà thì chồng tôi luôn là người động viên, tài trợ cho các chương trình tái chế của tôi. Khi vợ cần lấy lịch ở các nơi tặng, nếu anh rảnh sẽ đi lấy giúp, đưa đón vợ, giúp vợ làm sản phẩm và trực tiếp đưa đón, vận chuyển đồ tái chế”.

Không chỉ vậy, cả gia đình nội ngoại đều rất ủng hộ công việc mà chị đã lựa chọn gắn bó: “Bố mẹ chồng thấy con dâu lục lọi đồ để làm, cũng xin thêm hoặc kiếm vật liệu tái chế giúp. Mẹ thì giúp soạn các văn bản giấy tờ, còn bố thì gửi các mẫu văn bản làm việc với trường học. Nếu không có sự ủng hộ của chồng và gia đình thì có lẽ tôi không thể làm được toàn tâm toàn ý” - chị Tình bộc bạch.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 5).

Trao tặng tiền cho chương trình Tết ấm sum vầy tại bệnh viện K.

Hành trình sống xanh của chị Tình cùng các bạn tình nguyện viên chưa dừng lại bằng việc tái chế lì xì, đây cũng chính là sự bắt đầu cho những buổi triển lãm tái sinh ra đời.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, dự án I recycle đã thực hiện thành công triển lãm về tái chế, góp phần lan tỏa tới cộng đồng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên của các trường THPT và các trường đại học...

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 6).

Hoạt động tái chế được lan tỏa đến với các bạn nhỏ.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 7).

Sản phẩm lì xì hoàn chỉnh sau khi được cắt, dán, tô vẽ.

“Năm 2019, triển lãm trưng bày phòng chống rác thải nhựa tại Sơn Tây đã thu hút 100 học sinh của câu lạc bộ kỹ năng Sơn Tây và câu lạc bộ Hoa Đá của trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) tham gia. Triển lãm tại Giftshow 2019 thu hút 3 đội tình nguyện từ 3 trường THPT và đại học. Năm 2020 với sự tham gia của 2 câu lạc bộ của trường đại học Kinh tế Quốc dân và sinh viên trường đại học Hà Nội tham gia” - chị Tình hào hứng chia sẻ.

Hiện tại, dự án Irecycle đang thực hiện triển lãm Xuân Xanh tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), có trưng bày sản phẩm tái chế và hoạt động giáo dục di sản văn hóa truyền thống của người Việt, như lì xì đầu năm. Đồng thời, người tham gia triển lãm có thể tự tay làm ra những chiếc lì xì xinh xắn dưới sự hướng dẫn của các bạn tình nguyện viên.

“Bên cạnh việc làm các sản phẩm tái chế để trưng bày triển lãm, đổi rác lấy quà xanh trong các hội chợ, trường học, trung tâm thương mại, I recycle còn tổ chức các workshop hướng dẫn tái chế, cung cấp đồ trang trí sự kiện bằng đồ tái chế. Các tình nguyện viên đến từ dự án I recycle cũng sẽ hướng dẫn những bạn thuộc nhóm yếu thế như trẻ tự kỷ, người khuyết tật... được trải nghiệm tái chế và có cơ hội tạo ra sinh kế mới” - người “thủ lĩnh” I recycle tiết lộ.

Giáo dục - Sự chuyển giao vẻ đẹp của chiếc lì xì từ những quyển lịch cũ (Hình 8).

Một góc nhỏ được trang trí tại chương trình Xuân Xanh.

Kỳ vọng bảo tàng Tái chế xanh cho giáo dục Thủ đô

Trong tương lai, I recycle sẽ mở rộng chương trình tái chế học đường, thực hiện dự án bảo tàng Tái chế xanh, người tham gia vừa có cơ hội tham quan du lịch vừa có thể lan tỏa lối sống xanh thông qua các hoạt động sáng tạo, khám phá trong không gian thiên nhiên. Tại đây, việc trồng cây lâu năm không vì lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu, mà bảo tàng là một điểm nhấn được xây dựng từ các vật liệu bỏ đi, đảm bảo duy trì không gian xanh và sáng tạo cho học sinh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.