Không để cơ sở giáo dục bị động
Theo ngành y tế Tp.HCM, tính từ ngày 14/2 đến nay, Tp.HCM ghi nhận số ca trẻ em mắc Covid-19 gia tăng nhưng hầu hết là ca bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình. Các ca mắc Covid-19 mới phát hiện trong trường học cũng có xu hướng gia tăng, tuy nhiên số ca mắc mới vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Để các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, UBND Tp.HCM cũng có văn bản khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Y tế, UBND Tp.Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục, các cá nhân, đơn vị có liên quan đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19; không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 hoặc có tiếp xúc với F0.
Việc tổ chức học bán trú của học sinh trong giai đoạn hiện nay phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD&ĐT, trong đó cần lưu ý đảm bảo theo nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn ngủ, nghỉ ngay tại các lớp học, học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng các nhân, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.
Theo UBND Tp.HCM, cơ sở giáo dục khi phát hiện học sinh có các triệu chứng mắc Covid-19 cần yêu cầu học sinh mang khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác; giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay bến Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục.
Hiệu trưởng/Ban Chỉ đạo Tổ an toàn phòng, chống dịch Covi-19 của cơ sở giáo dục thông báo ngay cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covi-19 để xử lý.
Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đánh giá tình trạng sức khỏe và điều kiện cách ly tại nhà của F0. Nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, tư vấn, hướng dẫn phụ huynh/người giám hộ đưa học sinh về nhà để được Trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển F0 vào cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên của cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách và cung cấp thông tin dịch tễ cho Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế để xác định các trường hợp F1.
Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1 học sinh và giáo viên của lớp có F0. Nếu mẫu gộp dương tính thì tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý như trường hợp F0.
Đối với trường hợp không phải F1 thì được tiếp tục học tập trực tiếp, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày.
Đối với lớp có học sinh là F0, sau khi xét nghiệp, di chuyển học sinh có xét quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Thông tin học sinh Tp.HCM dừng học trực tiếp là giả mạo
Mới đây, mạng xã hội loan truyền thông tin “Học sinh Tp.HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp, Sở GD&ĐT Tp.HCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, đây là thông tin giả mạo, hiện tại ngành GD&ĐT Thành phố này vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND Tp.HCM đề ra trước đó.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM, sở dĩ có thông tin loan truyền như trên có thể là tại cuộc họp giao ban định kỳ chiều 22/2 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, Sở Y tế Tp.HCM cho biết sẽ tham mưu và trình UBND Tp.HCM xem xét việc ngừng học trực tiếp nếu số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng, cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca mỗi ngày.
Thế nhưng, hiện mỗi ngày Tp.HCM chỉ có khoảng 2 trẻ mắc Covid-19 phải can thiệp y tế. Vì thế, Tp.HCM sẽ vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động dạy và học trực tiếp.
Ngày 23/2, Sở Y tế Tp.HCM cũng có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc đảm bảo cung cấp oxy cho người bệnh Covid-19, khi số ca bệnh tăng trong thời gian gần đây.
Theo đó, Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có chiều hướng tăng nhanh. Để đảm bảo việc cung cấp nhu cầu oxy cho người bệnh được kịp thời, hiệu quả; Sở Y tế đề nghị các bệnh viện quận, huyện; bệnh viện dã chiến; các đơn vị y tế ngoài công lập trên địa bàn thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng kịch bản theo số ca nhập viện tại đơn vị. Đồng thời, rà soát các hợp đồng với nhà cung cấp oxy để đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời và có cơ số dự trữ ít nhất một tuần cho nhu cầu sử dụng.