TP.HCM khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp để chống dịch Covid-19

Admin
Lãnh đạo UBND TP.HCM đưa ra lý giải cho quyết định chỉ phong tỏa một phần chứ không phải toàn bộ quận Bình Tân để chống dịch Covid-19 như với quận Gò Vấp trước đó.

Tối 19/5, UBND TP.HCM tổ chức họp báo đột xuất để thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Sau thời gian giãn cách xã hội, ổ dịch lớn nhất là điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp đã cơ bản được kiểm soát với hơn 520 ca nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, Thành phố này đang nỗ lực kiểm soát nhiều ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt là địa bàn quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

“Trong 1 tuần vừa qua, việc thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên địa bàn Thành phố được thấy là một số nơi chưa nghiêm túc, cần biện pháp mạnh hơn để siết chặt quy định tuân thủ giãn cách trong lúc ngành y tế tăng tốc xử lý dịch bệnh với biến chủng nguy hiểm”, ông Đức đánh giá.

Vì thế, UBND TP.HCM đã ban hành liên tiếp văn bản số 2020 và 2021 để phong tỏa các khu vực là khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân và các ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn từ 0h ngày 20/6 đến 14 ngày sau.

Lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh, phong tỏa là biện pháp mạnh theo nguyên tắc người dân ở đâu ở đó, nội bất xuất ngoại bất nhập, không đi ra đi vào khu vực bị phong tỏa, trừ trường hợp cấp thiết.

Cũng theo ông Đức, TP.HCM áp dụng biện pháp cần thiết theo tình hình địa phương chứ không căn cứ theo các chỉ thị một cách toàn bộ. Điều này khác với hoàn cảnh tháng 3/2020 khi địa phương thực hiện Chỉ thị 15 và 16 cùng với cả nước.

“Và dựa vào đánh giá của bộ Y tế, có 4 mức độ nguy cơ thì những nơi có nguy cơ cao nhất phải phong tỏa. Người dân không có gì phải hoang mang, lo lắng”, ông Đức nói.

Vì sao số ca nhiễm Covid-19 tại quận Bình Tân đến nay đã cao hơn quận Gò Vấp nhưng chính quyền TP.HCM không áp dụng phong tỏa toàn bộ quận Bình Tân như đã thực hiện với quận Gò Vấp trước đó?

Phó Chủ tịch UBBND TP.HCM Dương Anh Đức trả lời rằng, sau thời gian nghiên cứu, hiểu rõ thì biện pháp áp dụng cho mỗi tình huống, mỗi địa phương sẽ khác nhau.

“Khi áp dụng phong tỏa sẽ phát sinh khó khăn lớn cho cả chính quyền địa phương, lực lượng tổ chức lẫn người dân, doanh nghiệp. Phương châm chống dịch của chúng ta là lần sau phải tốt hơn lần trước, phải rút được kinh nghiệm, bài học đã qua”, ông Đức nhận xét.

Vì thế, TP.HCM khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp để giảm tối đa tác động khi áp dụng biện pháp chống dịch. Quận Bình Tân là địa bàn có dân số đông, diện tích rộng nên tình hình so với quận Gò Vấp rất khác.

Số ca nhiễm Covid-19 tại quận Bình Tân đã lên đến 200 ca nhưng tập trung gần như chỉ ở 1 khu vực thuộc phường An Lạc. Xung quanh là các điểm phong tỏa ở quận 8 nên vị trí cụm này diễn biến phức tạp.

TP.HCM quyết tâm trong thời gian ngắn nhất sẽ cắt đứt các chuỗi lây nhiễm trong khu vực phong tỏa. Các quy định giãn cách xã hội đối với các quận, huyện còn lại sẽ nới rộng hoặc siết chặt hơn theo tình hình của từng khu vực, từng lĩnh vực.

Sự kiện - TP.HCM khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp để chống dịch Covid-19

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kêu gọi người dân chấp hành quy định, phối hợp tốt với chính quyền trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Biện pháp quan trọng nhất là xét nghiệm khi TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện 500 nghìn mẫu xét nghiệm/ngày, tức là tăng gấp đôi công suất hiện nay. Kế hoạch xét nghiệm sẽ ưu tiên những vùng có nguy cơ, tiềm ẩn F0.

“Hôm nay kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là sau vài ngày sau người đó vẫn an toàn. Cho nên việc tầm soát dịch bệnh cần thực hiện thường xuyên, khoa học, có kế hoạch”, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về vấn đề quá tải đối với lực lượng y tế, TP.HCM khẳng định “hệ thống y tế của địa phương chưa bao giờ đơn độc”. Ngoài hệ thống y tế của TP.HCM, trên địa bàn còn có nhiều cơ sở y tế Trung ương.

Trước đây, khi các địa phương khác gặp khó khăn, TP.HCM đã chi viện cho họ. Nên khi TP.HCM có nhu cầu, các địa phương khác đều sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng hiện tại, công tác chống dịch tại TP.HCM chưa cần nguồn lực từ địa phương khác.