Chiều 17/6, đại diện trạm Y tế phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM cho biết, đơn vị vừa ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn là tài xế giao hàng Grab. Trường hợp này chưa xác định được nguồn lây.
Theo cơ quan y tế, tài xế Grab không có triệu chứng mắc bệnh trước đó. Trong lúc giao hàng, người này thấy khu vực lấy mẫu xét nghiệm nên vào xếp hàng lấy mẫu. Sau đó, tài xế cho kết quả dương tính.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã đưa tài xế Grab đi cách ly, đồng thời phong tỏa nơi ở người này tại hẻm 224/20/9 đường Thạnh Xuân 22, quận 12, TP.HCM. Những người sống tại hẻm trên cũng được đưa đi cách ly tập trung trong ngày.
Ngành y tế phường Thạnh Xuân cho biết đang lập danh sách những người thân, hàng xóm cũng như khách hàng từng tiếp xúc với người bệnh để kêu gọi khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Trong buổi họp báo do sở Y tế phối hợp sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức vào tối 14/6, đã có câu hỏi đặt ra về khả năng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 đối với tài xế công nghệ.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường bộ, sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, theo số liệu do các công ty kinh doanh đăng ký với ngành chức năng, địa phương đang có hơn 170 nghìn tài xế công nghệ đang hoạt động.
Trong đó, GrabBike là 25 nghìn người, BeBike là 4,2 nghìn người, Lazada là 1,1 nghìn người, Tiki là 300 người và nhiều nhất là GoJek với 130 nghìn người.
“Đội ngũ tài xế công nghệ vận chuyển người và vận chuyển hàng hóa, nhiều nhất là giao nhận thức ăn nên có nhiều khả năng lây bệnh. Tuy nhiên, sự có mặt của họ rất cần thiết vì cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân trong lúc giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài”, ông Hải nhận định.
Do đó, hồi tháng 5/2021, lãnh đạo sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã tổ chức họp với các công ty kinh doanh, yêu cầu nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành giao thông.
Trong văn bản ngày 18/5 gửi đến các công ty, sở Giao thông Vận tải TP.HCM yêu cầu tài xế phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m khi giao hàng, thường xuyên khai báo y tế hay phải từ chối chở người không chấp hành biện pháp chống dịch.
Cũng theo ông Hải, công ty vận hành phần mềm phải cung cấp lịch trình tài xế khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng để truy vết. Nhưng, do đối tượng tài xế công nghệ không có đơn vị nào quản lý nên chỉ có thể vận động, tuyên truyền, phối hợp giám sát.
Cùng ngày 17/6, đại diện UBND quận Bình Tân xác nhận, có 26 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến công ty CP thực phẩm Trung Sơn - chi nhánh Khu công nghiệp Tân Tạo.
Nguồn lây ban đầu liên quan đến ổ dịch tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Hai ca đầu tiên là một cặp vợ chồng đi khám và phát hiện dương tính.
Sau khi nhận thông tin, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo xử lý, phong tỏa công ty, đồng thời truy vết các F1, F2.
Hiện tại, 26 ca dương tính tại công ty trên đã được đưa đi cách ly tập trung. Nơi ở của những công nhân này cũng được cơ quan chức năng phong tỏa để tránh lây lan trong cộng đồng.
Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều 17/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, từ 6h ngày 16/6 đến 6h ngày 17/6, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 137 trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Trong đó có 44 trường hợp trong khu phong tỏa, 73 trường hợp trong khu cách ly, 1 trường hợp nhập cảnh trái phép, 4 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, 12 trường hợp phát hiện qua tầm soát tại bệnh viện.
Từ 6h ngày 17/6 đến 16h cùng ngày, Thành phố này ghi nhận thêm 24 trường hợp trong khu phong tỏa được phát hiện nghi nhiễm Covid-19.
Hiện tại, để đảm bảo công tác phòng chống dịch được xuyên suốt và kịp thời, vào 16h hàng ngày, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đều tổ chức họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện.
Từ ngày mai (18/6), chính quyền TP.Thủ Đức và các quận, huyện sẽ thành lập lại các đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 15 trên địa bàn.