Từ những phản ánh của người dân về việc công ty TNHH SX – TM Vạn Chính, đóng trên địa bàn khu phố Khánh Lộc, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xả thải trực tiếp ra môi trường.
Và một hầm đất cũ với độ sâu hơn 20m, rộng hàng trăm mét được người ta đổ trộm các loại rác thải công nghiệp và chôn lấp hóa chất độc hại. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã đến ghi nhận và xác minh cụ thể.
Tại công ty TNHH SX – TM Vạn Chính, qua quan sát của PV, phía sau công ty có đục một lỗ lớn ở góc tường với đường kính khoảng 40cm. Từ lỗ thủng trên, nước thải được xả theo một con mương nhỏ và dẫn trực tiếp ra bãi cỏ nằm phía sau.
Tại thời điểm ghi nhận, nước vẫn còn chảy ít và có rất nhiều váng dầu. Dọc theo con mương là dòng nước đen ngòm, bốc lên một mùi hôi rất khó thở.
Còn tại bãi rác thải vốn là một hầm đất, qua quan sát có rất nhiều rác thải nguy hại như da tổng hợp, mực in và nhiều loại khác.
Ngay tại đây, ủy ban phường có cắm một cái bảng “Cấm hành vi đổ rác thải không đúng nơi quy định, mức xử phạt cho hành vi trên từ 3 – 7 triệu đồng”. Thế nhưng, điều kỳ lạ là từ khi có tấm biển cấm này, rác thải cứ mỗi ngày một dài và rộng hơn.
Tại hiện trường có dấu vết san ủi bằng phương tiện cơ giới. Với một bãi rác thải có chiều dài hơn 100m, sâu hơn 20m và tính từ mép hố ra có nơi được lấp gần 30m thì thử hỏi lượng rác đã được chôn lấp ở dưới đó là bao nhiêu?
Chất thải dẫn trực tiếp ra bãi cỏ.
Để có thông tin đa chiều, khách quan, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND phường Tân Phước Khánh. Sáng 25/11, Chủ tịch phường Phạm Tuấn Khanh và 2 cán bộ địa chính xã đã trao đổi với PV ngay tại phòng tiếp dân của ủy ban.
Ông Phạm Tuấn Khanh, Chủ tịch UBND phường cho biết, sau khi nhận được nội dung đăng ký làm việc của phóng viên, UBND phường đã chủ động liên hệ và mời Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã cùng đi kiểm tra.
Theo ông Khanh, sau khi đi kiểm tra, lãnh đạo công ty cho biết, nước thải trên là nước “rửa tay” của công nhân. Trong tuần sau, công ty Vạn Chính ngưng sản xuất và di dời đi nơi khác. Còn với bãi rác tại khu phố Khánh Lộc, sẽ xin ý kiến và bổ sung kinh phí để tiến hành nhờ công ty Dịch vụ Môi trường đô thị tỉnh Bình Dương xử lý.
Khi PV đặt câu hỏi về nước thải trên là nước gì? Trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra và biện pháp xử lý đối với 2 vấn đề trên như thế nào? Lúc này, ông Khanh cho biết, sẽ đề nghị cơ quan chuyên môn lấy mẫu, phân tích và tiến hành xử lý.
Ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ.
Vấn đề thứ nhất: Theo ông Khanh, công ty Vạn Chính đã bị xử phạt 1 lần cách đây 03 tháng về vi phạm xả thải ra môi trường. Và tuần sau công ty sẽ di dời đi nơi khác, thì lúc đó sẽ xử lý như thế nào? Và việc tiến hành lấy mẫu nước thải để phân tích, giám định làm rõ về hành vi hủy hoại môi trường khi công ty đã không còn hoạt động tại nơi vi phạm sẽ rất khó khăn.
Vấn đề thứ hai: Một bãi rác thải nguy hại với một khối lượng rác thải khổng lồ, nhưng đến nay vẫn chưa bắt quả tang được hay xử lý bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào vi phạm là điều hết sức khó hiểu.
Không những vậy, ý tưởng đề xuất xin kinh phí để xử lý bãi rác là một điều không thể chấp nhận được. Kinh phí được trích ra từ ngân sách của Nhà nước, mà ngân sách chủ yếu được thu từ nguồn thuế.
Và việc hình thành bãi rác xuất phát do sự quản lý yếu kém của địa phương (hoặc còn nhiều yếu tố khác). Như vậy, ngân sách của Nhà nước lại được sử dụng vào việc khắc phục hậu quả này, trong khi những kẻ đổ trộm ung dung hưởng lợi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Tội phạm môi trường, các cơ quan có chuyên môn liên quan cần vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ. Những kẻ cố ý hủy hoại môi trường phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật và chịu trách nhiệm, khắc phục hậu quả gây ra.
Cần làm rõ trách nhiệm quản lý của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra sự việc kéo dài như đã nêu ở trên.